Đau đầu là hiện tượng rất phổ biến, có thể xảy ra bất chợt trong cuộc sống hàng ngày mà không phụ thuộc vào tuổi tác hay có những dấu hiệu đặc trưng cụ thể.
Đau đầu trước hết ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, khiến họ không thể tập trung làm việc cũng không thể thư giãn, trong người luôn có cảm giác khó chịu, mệt mỏi mà không thể giải tỏa được.
Nếu các triệu chứng đau xảy ra thường xuyên và kéo dài có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm như thiểu năng tuần hoàn não, u não, đột quỵ…
Khảo sát ngẫu nhiên trên 2.000 người trưởng thành ở Việt Nam (năm 2008) cho thấy có đến 79% là đã có lần đau trong đời và 57% là đau thường xuyên mỗi ngày.
Các phân loại gần đây đã chia đau đầu ra làm ba nhóm: đau đầu nguyên phát, đau đầu thứ phát và đau thần kinh sọ, đau mặt trung ương.
Đối với nhóm triệu chứng đau đầu nguyên phát thường không có nguyên nhân cụ thể nào được chẩn đoán, tuy nhiên có nhiều yếu tổ thúc đẩy đã được xác định như stress, hormone, các loại thức uống hay thời tiết...
Stress là một thuật ngữ không còn xa lạ trong đời sống hiện đại ngày nay, nó xảy ra thường xuyên do áp lực công việc, học hành, hôn nhân cũng như các mối quan hệ. Các cơn đau đầu sẽ diễn ra ngay sau giai đoạn stress do lượng hormone đang lưu chuyển trong cơ thể giúp đối phó với tình trạng stress đột ngột giảm xuống, làm cho các mạch máu giãn ra và co lại, từ đó gây ra đau đầu.
Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt cũng thường xuyên bị đau đầu hơn do lượng hormone estrogen giảm xuống đột ngột trong những ngày này. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là các đồ uống gây kích thích thần kinh như là trà, cà phê, hoặc các thức uống có cồn hoàn toàn có thể khởi phát đau đầu dữ dội.
Trái lại, các biểu hiện đau đầu thứ phát lại thường xuất hiện do một bệnh lý nào đó trong cơ thể. Thường gặp nhất là đau đầu do viêm xoang, tăng huyết áp, thiếu máu… đặc biệt nguy hiểm là tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn tuần hoàn não gây ra các cơn đau đầu thoáng qua mà bệnh nhân thường chủ quan cho là không nghiêm trọng.
Đau đầu thứ phát thường gặp ở người lớn tuổi, với nguy cơ cao gấp mười lần so với người trẻ. Khoảng 15% người lớn tuổi khi mới bị đau đầu là do nguyên nhân quan trọng như u não, xuất huyết màng não, đau thần kinh tam thoa, tụ máu dưới màng cứng não…Để giải quyết triệt để căn nguyên của những cơn đau đầu thứ phát, người bệnh cần có sự thăm khám của y bác sĩ để xác định chính xác căn nguyên và các hướng điều trị thích hợp.
Đau thần kinh sọ, đau mặt trung ương là loại đau đầu nguy hiểm nhất và liên quan đến nhiều bệnh lý thần kinh nghiêm trọng.
Không phải tất cả loại đau đầu đều cần uống thuốc, đa số có thể chữa bằng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hay thuốc kháng viêm không steroid.
Việc quan trọng đầu tiên là phải tìm được nguyên nhân, đặc biệt là loại trừ được các tổn thương não. Tuy nhiên, cần lưu ý tác dụng phụ của thuốc giảm đau, đặc biệt tác dụng phụ trên dạ dày, thận, gan ở người lớn tuổi.
Đối với trường hợp đau đầu nguyên phát thì không nên dùng thuốc giảm đau quá hai ngày trong tuần, đặc biệt nếu dùng liên tục trên ba tháng có thể gây ra tình trạng “đau đầu do dùng thuốc quá nhiều”. Tuỳ thuộc vào loại đau đầu nào mà bác sĩ cho dùng thuốc tương ứng.
Các phương cách điều trị khác là giảm căng thẳng, lưu ý tư thế của đầu cổ khi sinh hoạt, thay đổi thói quen ăn uống để tránh nguy cơ dẫn đến đau đầu (một số loại đau đầu có thể tăng do ăn uống như đau đầu migraine, trường hợp này cần tránh rượu bia, bột ngọt, phô mai, chocolate, nước chanh, thức ăn có nhiều mỡ…).
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]