Thành công khi đã bước qua tuổi 40, Vera Wang là ví dụ điển hình của sự cần mẫn, kiên trì và luôn theo đuổi đam mê. Với phụ nữ, bà chính là bà tiên bước ra từ cổ tích.
Ít ai biết rằng Vera có xuất thân từ gia đình khá giả và có địa vị, nhưng không vì thế mà bà lại có ý định dựa dẫm vào cha mẹ mình.
Lên 6 tuổi, cô bé Vera Ellen Wang theo học bộ môn trượt băng nghệ thuật. Đến năm 19 thì Vera đã giành chức vô địch toàn nước Mỹ. Theo đuổi con đường vận động viên chuyên nghiệp dường như là điều hiển nhiên với cô gái này.
Tuy nhiên Vera Wang đã gặp thất bại đầu đời khi không thể đạt được ước mơ Olympic. Nhưng “trong cái rủi lại có cái may”, thất bại này lại dẫn đường cho Vera tiến gần hơn với thời trang.
“Khi vấp ngã – điều diễn ra thường xuyên khi muốn trở thành một vận động viên trượt băng thì bạn cần đứng dậy ngay và bắt đầu lại từ đầu. Bạn không được để bất cứ ai đánh giá thấp bản thân mình” – Đó chính là tinh thần mà Vera Wang vẫn luôn mang theo trong suốt cuộc đời.
Vera Wang – Con người tài năng của làng thời trang.
Không thể tiến xa hơn trên sân băng, Vera Wang quyết định rẽ hướng. Bà vẫn trượt băng nhưng tập trung nhiều hơn vào niềm đam mê mới, đó là thời trang.
Vera may mắn được tới xem những buổi biểu diễn thời trang cùng mẹ. Show diễn đầu tiên bà được chiêm ngưỡng chính là của Yves Saint Laurent.
Khi bày tỏ mong muốn được học thiết kế, Vera Wang đã nhận được sự từ chối thẳng thừng từ cha. Không được học một cách bài bản, bà liền xin một chân tại cửa hiệu của Yves Saint Laurent.
Năng khiếu thời trang của Vera Wang đã được nhận ra tại đây khi bà có cơ hội gặp Frances Patiky Stein – biên tập viên thời trang của Vogue Mỹ. “Hãy gọi tôi khi cô đã học xong đại học” – Đó là lời nhắn nhủ của Frances khi chứng kiến sự đam mê của cô gái trẻ.
Hai năm sau, may mắn là Frances vẫn không quên lời dặn. Chỉ trong vòng một năm, Vera Wang từ vị trí học việc, rồi thực tập sinh, trợ lý,… đã trở thành biên tập viên trẻ tuổi nhất của Vogue.
Vera khi còn làm việc tại Vogue.
15 năm ở tạp chí thời trang danh tiếng chính là bước đệm quan trọng của Vera. Tuy nhiên nếu về lâu về dài thì bà cũng chẳng thể gây được tiếng vang.
Chính vì thế hai năm tiếp theo Vera Wang đã đồng hành cùng Ralph Lauren trên chiếc ghế giám đốc sáng tạo.
Nhìn lại quãng đường sự nghiệp của Vera Wang, phần lớn đó là nhờ vào nỗ lực của bà, còn lại là một chút xíu cơ duyên.
Năm 1989, Vera kết hôn với người bạn trai lâu năm Arthur Becker. Nhận thấy sự nghèo nàn của thị trường áo cưới, người phụ nữ này đã tự tạo nên bộ váy trong mơ của mình.
Cũng chính vì sự kiện này, Vera đã nhận ra hướng đi của bản thân, đó là thời trang áo cưới. Năm 1990, một cửa hiệu của riêng bà đã khai trương trên đại lộ Madison, New York. Gần như ngay lập tức, danh tiếng của chiếc váy cưới Vera Wang đã vang xa. Con số người nổi tiếng diện Vera là không đếm xuể.
Họ ưa chuộng váy của bà bởi sự thanh lịch, sang trọng nhưng không quá cầu kì, rườm rà. Nó đúng với tinh thần lãng mạn của một nàng công chúa trong mơ.
Dù đơn giản hay cầu kì, những thiết kế từ Vera Wang luôn làm người ta thích thú.
Tuy nhiên sự sáng tạo của Vera Wang không chỉ quanh quẩn trong màu trắng thuần khiết. Thiết kế của bà còn nổi tiếng bởi sự đa dạng về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc,… đôi khi nó còn là sự phá cách táo bạo.
“Tôi rất muốn đem đến sự táo bạo vào ngành thời trang truyền thống” – Bộ sưu tập của Vera đôi khi có những chiếc váy mang họa tiết đen trắng hoặc sặc sỡ màu sắc. Đó là cách để bà buộc mình làm việc tích cực hơn nhằm liên tục đem đến làn gió mới cho thương hiệu.
Ai bảo váy cưới không thể có màu đen?
Mặc dù đã mở rộng phạm vi sản phẩm sang váy dạ hội, nước hoa, trang sức,… nhưng đối với mọi cô gái trên thế giới, mơ ước của họ là được đi lấy chồng trong chiếc váy của Vera Wang.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]