Giám khảo và sự không chuẩn mực
Giám khảo có thể được định nghĩa là những người có vốn kiến thức sâu rộng, am hiểu và có trình độ chuyên môn để dẫn dắt từ đầu đến cuối chương trình trong các cuộc thi, nhằm tìm ra những tài năng mới. Nhưng dường như cái định nghĩa đó không còn phù hợp với các chương trình truyền hình thực tế (THTT) hiện nay nữa. Bây giờ, cứ bật tivi, cuối tuần nào các vị giám khảo cũng làm khán giả ngã ngửa vì những nhận xét mang tính thảm họa của mình. Tại các chương trình THTT quá dễ dãi hay tại vì các giám khảo có vấn đề?
Hiện nay giám khảo khách mời gần như trở thành tâm điểm của THTT. Giám khảo khách mời ở các nước khác cũng không thoát khỏi yếu tố trang trí hay đơn giản là tạo sự mới mẻ, nhưng cốt lõi là chuyên môn thì không thể bỏ qua. Đó vẫn là những người có chuyên môn, nhưng không có thời gian để đi cùng suốt chương trình. Tuy nhiên, ở nước ta thì lại có chuyện một người trước đó vài tháng vẫn còn toát mồ hôi hột chờ nghe nhận xét về phần thi của mình, vài tháng sau đã có thể được nâng cấp lên thành giám khảo, dù về chuyên môn, thí sinh hơn hẳn giám khảo khách mời kia nhiều bậc.
Điển hình như trường hợp thí sinh Minh Tú, vốn là nghệ sĩ múa của nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, trong khi giám khảo Hà Anh chỉ là một người mẫu nhưng lại chấm thi trong chương trình Thử thách cùng bước nhảy. Sự xuất hiện của Hà Anh trong chương trình Thử thách cùng bước nhảy khiến chương trình vốn được coi là khá tròn trịa này lại như bị lẫn vào một hạt sạn. Hoặc nhận được nhiều phản ứng từ khán giả, nhà sản xuất chương trình Vũ điệu đam mê bắt buộc thay thế Hà Hồ vào vị trí của Minh Hằng, Hà Hồ hoạt ngôn và biết tiết chế hơn tuy cũng không có trình độ chuyên môn.
Các thành viên ban giám khảo Người mẫu Việt Nam 2013
Nhiều khán giả cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi có sự xuất hiện của chuyên gia trang điểm Nam Trung trong cuộc thi chấm giải người mẫu và câu nói bất hủ của anh trong cuộc thi Việt Nam Next top Model năm nay cũng trở thành "huyền thoại": "Làm make-up nhục lắm hay sao mà đi làm người mẫu", khi thí sinh này giải thích rằng: "Em nghĩ mỗi người ai cũng có nhiều đam mê". Nghe xong, Nam Trung phán: "Mỗi người chỉ cần một đam mê là đủ", khiến ai cũng phải ngỡ ngàng vì câu nói độc đoán của một giám khảo, người sẽ cầm cân nảy mực xem ai là người đi tiếp, ai là người phải dừng lại ở một cuộc thi.
Rõ ràng, với những phát ngôn và những trình độ khác thường của các giám khảo này khiến mọi người không khỏi bất ngờ. Câu hỏi cần nghiêm túc đặt ra là: Ban giám khảo sẽ có vai trò nào trong các cuộc thi? Hay chỉ là những người đẹp một chút, ăn nói thu hút một chút, hoặc có kiểu cách nói gây scandal như vậy mới đủ điều kiện để trở thành ban giám khảo của một chương trình truyền hình?
Đằng sau sự nổi tiếng của các giám khảo là gì?
Nghề giám khảo đầy mạo hiểm nhưng không ít người xem nó là nghề khá an nhàn. Đó là nghề mà nhiều cái được: được nói, được đánh giá và được nổi tiếng, ngoài ra còn nhận được khoản thù lao khá cao. Chỉ cần ngồi vào vị trí và nói là xem như đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhạc sĩ Quốc Trung từng nói: "Mấy chục năm làm nhạc tử tế của tôi chẳng giúp tôi được nhiều người biết đến như mấy tháng ngồi nói ghế nóng Vietnam Idol. Nếu biết sớm dễ nổi tiếng như thế này, tôi đã nhận lời làm giám khảo từ lâu rồi".
Thế nên, dù biết có khả năng hay không nhiều người nổi tiếng cũng đã nhắm mắt đưa chân để cuối cùng chuốc thua thiệt về mình. Vẫn biết nghề làm dâu trăm họ không dễ dàng gì với ai nhưng một khi chính bản thân chưa học được nghề, chưa đủ kiến thức cũng như sự hoạt ngôn cần thiết khi đứng trước khán giả thì thiết nghĩ phải biết nói câu từ chối để giữ được hình ảnh của người cầm cân nảy mực.
Với nhu cầu hiện nay, giám khảo của các chương trình thường chỉ là những gương mặt đang "ăn khách" để tạo thêm mùi vị cho chương trình và thu hút được nhiều sự quan tâm chú ý của khán giả. Có thể nói các giám khảo của chúng ta chỉ có tác dụng trang trí là chính. Dù vậy, hình ảnh những giám khảo vừa đẹp lung linh, vừa nói chuyện thật thu hút khiến không ít người bị cuốn vào các chương trình truyền hình với những giám khảo như thế.
Tuy nhiên, nghịch lý đạo diễn, hoặc diễn viên "chấm thi" một cuộc thi ca hát khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, thậm chí nghi ngờ trình độ của ban giám khảo khi là chuyên gia trang điểm nhưng lại đi chấm giải người mẫu. Một ca sĩ đã được mời làm ban giám khảo một số chương trình truyền hình thực tế lớn tiết lộ: "Được mời vào một số chương trình tức là mình phải làm theo những yêu cầu của ban tổ chức đưa ra. Có những chương trình đã làm giờ xem lại tôi không thể xem nổi. Vì đơn giản nó quá nhiều lời khen, những lời khen làm vui lòng nhau thật sự không đọng lại điều gì. Tôn vinh nhau quá nhiều ở một sân chơi giải trí chỉ mua vui khán giả là chính".
Thế nhưng, một số chương trình truyền hình thực tế, vẫn có không ít giám khảo là những người nổi tiếng, ở góc độ nào đó nó thu hút khủng khiếp số lượng người xem. Chia sẻ về vấn đề này, nhạc sĩ Miêu Thanh thẳng thắn cho biết: "Theo tôi, thành phần ban giám khảo âm nhạc nên là nhạc sĩ, ca sĩ hoặc, nhạc sĩ kiêm ca sĩ, ngoại trừ đạo diễn hoặc diễn viễn có trình độ chuyên sâu và từng hoạt động trong lãnh vực âm nhạc. Thí dụ Kelly Rowland là nhạc sĩ, ca sĩ và là diễn viên... làm ban giám khảo cho The X Factor của Anh và Mỹ thì mới có thể làm tốt nhiệm vụ của ban giám khảo. Nếu ban giám khảo là đạo diễn và diễn viên chưa từng hoạt động trong lãnh vực âm nhạc thì chắc không đáp ứng được yếu tố chuyên môn. Vì ban giám khảo cần phải có trình độ chuyên sâu mới có những lời nhận xét chính xác và phải nhìn thấy tiềm năng của thí sinh".
Có thể nói, truyền hình thực tế là môi trường dễ dàng để nhiều người có cơ hội làm giám khảo, ca sĩ, diễn viên Yến Ngọc chia sẻ: "Việc mời một số người nổi tiếng sẽ giúp chương trình có sự lôi cuốn riêng. Nó sẽ hợp với một số bạn trẻ, những người luôn thích sự mới lạ, hấp dẫn. Mà đã là khán giả trẻ họ sẽ có nhiều yêu cầu hơn nên chắc chắn sự thay đổi của chương trình phải phù hợp để thu hút những bạn trẻ này".
Lý giải thêm về vấn đề này, diễn viên Phi Thanh Vân phân tích: "Trước khi mời một ai đó vào chương trình, ban tổ chức, các nhà sản xuất đã cân đong đo đếm kỹ lưỡng, thế nên không có sự cảm tính. Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng cố gắng thể hiện để hoàn thành vai trò, ở một góc nào đó, chúng ta nên đón nhận để họ có thêm động lực và làm tốt hơn ở những chương trình sau". Rõ ràng, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc các giám khảo nào xuất hiện trong chương trình nào, còn phụ thuộc một phần vào thị hiếu của khán giả. Nếu khán giả tỏ ra kém quan tâm, chắc chắn những giám khảo "ngồi sai chỗ" cũng không còn có cơ hội xuất hiện.
Nơi “khoe cái dốt” trước hàng triệu người nhanh nhất
Không quá lời khi nói rằng, độ lan tỏa của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay có sự đóng góp khá lớn của các vị giám khảo. Ngoài việc bình luận và cho điểm họ còn có nhiệm vụ làm đẹp lòng khán giả, tạo kịch tính cho chương trình. Trên thực tế thì vai trò giám khảo chỉ thật sự nóng trong thời gian gần đây khi gặp phải những chỉ trích khá gay gắt từ dư luận đến mức nhà thơ Đỗ Trung Quân đã phải thốt lên rằng: "Truyền hình là nơi khoe cái dốt nhanh nhất trước hàng triệu người".
Sự yêu thích của công chúng quyết định xu hướng
"Chuyện làm giám khảo ở lĩnh vực này nhưng được mời chấm thi ở lĩnh vực khác chủ yếu tùy thuộc vào thị hiếu của khán giả. Trong tương lai nếu khán giả thích thì sẽ trở thành xu hướng, ngược lại không thích thì nhà tổ chức sẽ không mời nữa", nhạc sĩ Miêu Thanh cho biết.
Theo Mai Thy - Ngọc Trâm - Nguoiduatin
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]