“Hướng đi tất yếu của nông nghiệp hiện nay là thực hành sản xuất an toàn. Chẳng hạn khi làm VietGAP, cái rõ nhất là tính bền vững của giá trị thương phẩm trên thương trường, không có chuyện sản xuất, giá cả lên xuống thất thường. Làm VietGAP không những bảo vệ cho người tiêu dùng mà còn bảo vệ cho chính chúng ta” – ông Thái Bá Trung – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp an toàn An Xuân, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) chia sẻ.
HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp an toàn An Xuân được thành lập từ tháng 7.2015 với 8 thành viên, chuyên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn như nho, măng tây, lúa giống, dê, cừu sinh sản. “Trước giờ, các thành viên trong HTX vẫn sản xuất các sản phẩm đó, nhưng mới chỉ hình thức nhỏ, lẻ. Ai nấy tự làm nên năng suất không cao và luôn phải vật lộn với đầu ra. Thấy anh em làm vất vả quá, tôi mới thành lập HTX, quy tụ các anh em và kết nối với công ty Vĩnh Lợi để tiêu thụ” – ông Trung cho hay.
Vườn nho xanh của HTX An Xuân. Ảnh: T.L
Tham gia HTX, các hộ nông dân thành viên được Công ty Vĩnh Lợi chuyển giao kỹ thuật trồng theo quy trình VietGAP, hỗ trợ vật tư ban đầu và quy trình kiểm định sản phẩm trước khi thu hoạch.
Qua 1 vụ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vườn nho của các hộ trồng nho đều đạt chứng nhận an toàn với năng suất bình quân tăng đến 25% và lợi nhuận tăng trên 30%. Việc trồng nho theo hướng VietGAP cũng mang lại hiệu quả trên nhiều mặt như: Tiết kiệm chi phí cho nông dân, hạn chế việc sử dụng phân, thuốc hóa học bằng cách sử dụng phân vi sinh thân thiện với môi trường và sản lượng nho tăng hơn.
Theo ông Trung, ngoài quy trình bắt buộc sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh; bón phân vi sinh thay thế phân hóa học; vệ sinh trang trại, người nông dân phải thực hiện ghi chép sổ hằng ngày. Mỗi sản phẩm đều có xuất xứ rõ ràng, cụ thể như giống, sử dụng thuốc BVTV gì, phân vi sinh ra sao.
Trước khi thu mua sản phẩm, đơn vị thu mua sẽ đối chiếu ghi chép ngày giờ mua phân, thuốc sinh học với thông tin của các đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp để kiểm chứng. “Việc ghi chép sổ sách là cơ sở để chứng minh sản phẩm nho sạch của nông dân.
Hiện nho xanh sản xuất theo quy trình sạch có giá thu mua tại vườn là 35.000 đồng/kg, cao hơn 1,5 lần so với sản phẩm nho trồng không có ghi chép. Người tham gia cũng có cam kết bất di bất dịch là làm đúng quy trình, để sản phẩm không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và thương hiệu nho sạch Ninh Thuận” – ông Trung cho biết.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]