Nhiều người ví người nuôi ong như những người du mục bởi trong vòng một năm họ phải di chuyển hết vùng này đến vùng khác để kiếm thức ăn cho ong. Những nơi lý tưởng để kiếm mật là Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc. Vụ thu hoạch mật kéo dài từ tháng 11 tới tháng 5 (âm lịch). Vào thời điểm này, trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) phải có đến gần 100 trại lớn nhỏ, mỗi trại nuôi tới hàng trăm đàn. Ong nuôi lấy mật phổ biến giống nhập từ Italy và một số nước khác. Giống ong ngoại cho năng suất mật cao hơn nên vẫn được người nuôi ưa chuộng. Tuy nhiên, ong ngoại thường chịu rét kém hơn ong nội nên vào mùa đông giá rét nhiều đàn ong lại phải di chuyển về phương Nam tránh rét.
Chàng thanh niên tên Nam (21 tuổi), quê Buôn Mê Thuột đã có hơn 4 năm trong nghề. Gia đình anh nuôi khoảng 700 đàn, chia nhau trên khắp cả nước. Trung bình mỗi địa điểm Nam chỉ lưu trú khoảng một tháng. Hiện một mình Nam quản lý 171 đàn ong trên Mộc Châu.
Nam di chuyển qua các tỉnh như Bình Phước, Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắk Lắk, Gia lai, Sơn La... hay miền Tây Nam Bộ như Bến Tre, Tiền Giang... một năm khoảng hơn chục lần để nuôi ong. Anh cho biết, ong phải di chuyển nhiều để phù hợp thời tiết và lấy thức ăn. Có như vậy, ong mới cho ra năng suất cao khi vào mùa lấy mật.
Ong sợ khói nên trước khi giũ ong ra họ cần phải đốt những lõi ngô để tạo khói.
"Ong nuôi lấy mật thường không gây hại, chỉ đau một chút thôi", Nam nói.
Cách lấy mật của người nuôi ong là xịt nước cho cánh ong bị nước ướt không bay được lên.
Sau đó giũ ong ra trước khi lấy mật.
Sau khi đã giũ toàn bộ, ong được cho vào lồng quay để cho mật văng ra.
Những chai mật ong ánh vàng được bán ven đường cùng với các đồ nông thủy sản vùng cao nguyên Mộc Châu. Mật chủ yếu bán cho tư nhân thu mua và có giá bán lẻ vào khoảng 120.000 - 200.000 đồng/lít (tùy loại). Với khoảng 40 lít mật ong/chuồng, trung bình gia đình Nam mỗi vụ có doanh thu vài tỷ đồng từ con số 700 chuồng ong này.
Năm 2013 là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu mật ong vào Mỹ vượt mốc 30.000 tấn và đạt doanh thu trên 75,668 triệu USD. Giá bình quân xuất khẩu vào Mỹ là 3,31 USD. Với lượng mật xuất sang Trung Đông, Nhật bản, EU và một số nước châu Á khác Việt Nam đạt khoảng 34.000 tấn kim ngạch xuất khẩu (85 triệu đô). Con số nói trên là một bước tiến nhảy vọt của ngành ong.
Trong khoảng hai năm tới lệnh bán phá giá của Mỹ đối với mật ong Trung Quốc (2,48 US$/kg) gần như chắc chắn được dỡ bỏ. Như vậy, mật ong Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc cạnh tranh với mật ong giá rẻ của Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Ngành ong khuyến cáo các công ty xuất khẩu mật ong và người nuôi ong cần chú ý đến chất lượng của mật để nâng giá xuất khẩu và cần cố gắng làm các thủ tục để được cấp chứng chỉ Nguồn mật ong thực (True source), để có lợi thế xuất khẩu và Mỹ, EU cũng như các thị trường khác.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]