Một số siêu thị cho biết đã nhận được thông báo tăng giá (mức tăng cao nhất là 10%) của một số nhà cung cấp trong ngành hàng nước giải khát. Nguyên nhân một phần là do việc kiểm soát tải trọng của xe.
Anh Nguyễn Văn Hiển, chủ một cửa hàng tạp hóa ở quận Gò Vấp, cho biết cửa hàng nhận được thông báo tăng giá 10.000 đồng/thùng mặt hàng nước giải khát Number One, Trà xanh 0o… do cước vận chuyển tăng.
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cho biết do chi phí vận tải tăng nên DN buộc phải tăng giá bán. Công ty đã tăng giá ở mức 10.000 đồng/thùng hàng tương đương 400 đồng/sản phẩm. Nếu tính đủ, tính đúng thì công ty phải trả khoản chi phí cao gấp nhiều lần nhưng do hỗ trợ tối đa cho người tiêu dùng (NTD) nên công ty đã gánh phần lớn chi phí này. Không riêng ngành hàng giải khát, các mặt hàng thiết yếu cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, vừa qua giá thịt heo, gà… tăng ngoài nguyên nhân nguồn cung giảm thì việc giá cước vận tải tăng gấp đôi đã ảnh hưởng đến giá thành.
Còn ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết chi phí vận tải tăng, Vissan cũng bị ảnh hưởng nhưng vì bình ổn thị trường cũng như nhằm chia sẻ với NTD nên DN không tăng giá.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ nên việc kiểm soát tải trọng của xe sẽ làm ảnh hưởng đến cước vận tải. Nếu cước vận tải đường bộ tăng thì sớm muộn sẽ phản ánh vào cơ cấu giá thành.
Hiện nay các nhà sản xuất, nhà cung cấp chưa tăng dồn dập mà cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận vì sức mua thấp. Họ không thể tăng giá đột ngột được. Sắp tới, giá cước vận tải sẽ tác động mạnh đến giá cả.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]