Hưởng lợi 30%: Con số mơ ước
Báo cáo “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao”, do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cùng với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy, người nông dân không được hưởng lợi nhiều khi giá gạo lúa tăng.
Theo báo cáo, khi giá gạo trên thị trường thế giới giảm sẽ kéo theo giá bán lúa của nông dân xuống thấp. Trong trường hợp đó, lợi nhuận từ trồng lúa đã thấp lại càng thấp hơn. Tuy nhiên, đến khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng thì người trồng lúa cũng được hưởng lợi rất ít. Điển hình như năm 2008, khi giá gạo xuất khẩu tăng từ 430 lên trên 900 USD/tấn vào giữa năm, thì giá gạo mà nông dân bán được chỉ tăng chưa đầy 100 USD/tấn. Rõ ràng, nông dân chẳng được lợi nhiều từ việc tăng giá gạo.
Ngoài ra, khi giá gạo thế giới tăng nhanh, giá lúa trong nước sẽ lên cao hơn khiến DN xuất khẩu cũng phải chịu thiệt vì đã trót ký hợp đồng xuất khẩu với mức giá thấp.
Khi phân tích chuỗi giá trị gạo xuất khẩu tại An Giang, báo cáo chỉ ra rằng nông dân chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị, phần còn lại thuộc về khâu trung gian và DN xuất khẩu.
Song, tại buổi công bố báo cáo “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng?”, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng mức lợi nhuận 30% cho nông dân trồng lúa chỉ là mơ ước. Trên thực tế, nông dân được hưởng lợi rất ít ngay cả khi giá gạo tăng cao.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Tân Tạo (Long An) đánh giá, chỉ với những giống lúa cao sản nông dân mới có thể lãi trên 20%, còn khi trồng giống lúa đặc sản thì lợi nhuận rất thấp.
Ông Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách (IPSARD) cũng cho biết, nhiều khi trên thị trường giá gạo tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 3 tháng, lúc đó giá ở An Giang cũng tăng nhưng không đáng kể. Có thời điểm, người nông dân còn phải bán lúa ở mức giá 10.000/3kg lúa.
Nông dân trồng lúa sống được với nghề?
Với mức lợi nhuận thấp như vậy, báo cáo trên cũng chỉ rõ nông dân rất khó sống với nghề trồng lúa.
Thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ tại ĐBSCL, vùng có lợi thế lúa tốt nhất cả nước, chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng, tương đương với một nửa tháng lương tối thiểu. Vì vậy, các hộ các hộ sản xuất lúa quy mô nhỏ (dưới 2ha) không thể sống dựa vào thu nhập từ trồng lúa mà phải sống dựa vào thu nhập chăn nuôi, thủy sản hay các hoạt động phi nông nghiệp khác. Chỉ có các hộ quy mô lớn (từ 2ha trở lên) mới có thể sống dựa vào nghề trồng lúa.
Để người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn, sống được với nghề trồng lúa, theo ông Thắng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên tập trung cho mô “cánh đồng mẫu lớn”, ký hợp đồng cung cấp đầu vào hay bao tiêu đầu ra. Song song đó, cần lập ra Ban điều hành lúa gạo với sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân, chịu trách nhiệm dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, quy hoạch vùng trồng lúa.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nói thêm, nếu thành lập Ban điều hành lúa gạo, cần nhấn mạnh vai trò thực sự của nông dân để đảm bảo quyền lợi của họ, không phải tham gia chỉ để cho có.
Theo ông Xuân, cơ chế chính sách cũng cần có những thay đổi nhất định, giảm bớt quyền hạn giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng như Vinafood 1 và Vinafood 2. Việc để các đơn vị này quá “lộng hành” như hiện nay sẽ triệt tiêu hết những sáng kiến, sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân, vô tình đẩy các doanh nghiệp tư nhân ra ngoài vòng kinh doanh, biến kinh doanh lúa gạo thành độc quyền thực sự.
Ông Andy Baker, Trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh: “Các chính sách về trồng và xuất khẩu lúa gạo cần tập trung vào nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc, để họ nhận được đầy đủ hỗ trợ của nhà nước. Tiếng nói của họ cần được lắng nghe hơn”.
Theo Bảo Hân - Vietnamnet.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]