Sụt hơn 6% trong phiên giao dịch đêm qua (24/8), giá dầu thế giới lập mức đáy mới của 6 năm rưỡi. Giá nhiên liệu này đang chịu sức ép giảm mạnh từ nỗi lo của giới đầu tư về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ kéo tụt nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
“Phiên sụt giảm của giá dầu hôm nay không phải là câu chuyện về những yếu tố cơ bản của thị trường dầu, mà xuất phát từ vấn đề Trung Quốc”, nhà phân tích dầu lửa cấp cao Carsten Fritsch thuộc ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt nhận định.
“Thị trường đang lo kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng và mọi chuyện vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các nhà chức trách nước này”.
Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu thô Brent giảm 2,77 USD/thùng, tương đương mức giảm 6,1%, còn 42,69 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại New York giảm 2,21 USD/thùng, tương đương giảm 5,5%, còn 38,24 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Trong phiên, giá dầu có lúc giảm còn 37,75 USD/thùng.
Đây là phiên sụt giảm mạnh nhất của giá dầu trong gần hai tháng. Nỗi lo về kịch bản xấu nhất có thể xảy đến với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ nhì thế giới, đang lấn át những tín hiệu về sự dư thừa nguồn cung dầu.
Trong thời gian gần đây, tình trạng cung vượt quá cầu trên thị trường dầu là nguyên nhân chính đẩy giá nhiên liệu này lao dốc.
Sau khi thị trường đóng cửa, đà lao dốc của giá dầu và thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chưa được hãm lại. Lúc khoảng hơn 5h sáng nay, giá dầu thô Brent có thời điểm giảm còn 42,23 USD/thùng, trong khi chỉ số S&P Index của chứng khoán Mỹ có lúc giảm hơn 4%.
Từ đầu tháng tới nay, giá dầu thô tại thị trường Mỹ đã giảm 18%. Giá dầu đã liên tiếp sụt giảm trong 8 tuần vừa qua, chuỗi tuần giảm giá dài nhất kể từ năm 1986.
Kể từ mức đỉnh hồi cuối tháng 6, giá dầu đến nay đã giảm gần 40%, dấy lên hồi chuông cảnh báo tại các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
Tâm trạng bi quan của giới đầu tư về tình hình kinh tế Trung Quốc không chỉ khiến giá dầu giảm sâu mà còn khiến các hàng hóa cơ bản khác lao dốc. Chỉ số Thomson Reuters/Core Commodity CRB Index, thước đo giá của 19 loại hàng hóa cơ bản, mất 2,7% trong phiên hôm qua, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]