Ảnh minh họa. (Nguồn: abo.net)
Không khí ảm đạm đã bao trùm thị trường năng lượng Mỹ ngay trong phiên giao dịch mở đầu tuần mới (ngày 18/11), khi giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua, do lo ngại về tình trạng dư cung.
Bên cạnh những đồn đoán về sự gia tăng dự trữ dầu thô của Mỹ thì thông tin cho hay Saudi Arabia đã xuất khẩu lượng dầu cao nhất trong 8 năm qua vào tháng 9/2013 cũng tạo sức ép giảm lên giá dầu.
Những nhận định trái chiều về tiến triển của các vòng đàm phán tiếp theo về chương trình hạt nhân của Iran tiếp tục đè nặng lên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch liền sau đó.
Cuộc đàm phán mới tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran được kỳ vọng có thể giúp hai bên tiến tới một thỏa thuận tạm thời, theo đó Iran có thể sẽ hạn chế hoặc ngừng một phần chương trình hạt nhân, đổi lại các cường quốc sẽ nới lỏng các biện pháp cấm vận kinh tế đối với quốc gia Hồi giáo.
Thêm vào đó, việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2014, dấy lên lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ, cũng đẩy giá dầu Brent đi xuống, bất chấp đà tăng mong manh của dầu ngọt nhẹ.
Xu hướng tăng giảm bất nhất tiếp tục kéo dài sang phiên giao dịch ngày 20/11, sau khi Bộ Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước (kết thúc ngày 15/11) đã tăng thêm 400.000 thùng, thấp hơn so với mức ước tính tăng 700.000 của giới phân tích.
Một vài dữ liệu trong bản báo cáo chỉ ra rằng nhu cầu tiêu thụ dầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã bất ngờ tăng mạnh. Dù vậy, chuyên gia phân tích IAF Advisors tại Houston, Kyle Cooper nói rằng các nhà đầu tư vẫn không mặn mà đối với thị trường dầu mỏ khi mà tình hình tại Trung Đông đã bớt căng thẳng.
Điều này thể hiện rõ nét hơn qua cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1, đang diễn ra tại Geneva được đánh giá là "chi tiết, nghiêm túc và mang tính xây dựng". Giới ngoại giao thừa nhận "vẫn còn tồn tại những điểm khác biệt trong quan điểm của mỗi bên", song họ lạc quan cho rằng cuộc đàm phán sẽ không đổ vỡ như những lần trước và có thể sẽ còn kéo dài..
Tuy nhiên, trong hai phiên giao dịch cuối tuần (ngày 21-22/11), giá hai loại dầu chủ chốt đồng loạt đảo chiều tăng trước thông tin tích cực từ kinh tế Mỹ và triển vọng chưa rõ ràng của cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran.
Các nhà giao dịch đang tỏ ra lạc quan về đà phục hồi của kinh tế Mỹ và dự đoán nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ gia tăng, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho hay lượng người lần đầu đăng ký thất nghiệp trong tuần trước (kết thúc ngày 16/11) giảm xuống còn 323.000 người- mức thấp nhất trong vòng hai tháng qua, còn số liệu từ Markit cho biết hoạt động chế tạo tại Mỹ cũng gia tăng trong tháng 11/2013.
Một nhân tố khác cũng tác động tích cực đến thị trường dầu mỏ là sự đình trệ trong cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran. Tehran cho biết "không có tiến triển nào" đạt được nhằm hướng tới một thỏa thuận đột phá đã được chờ đợi từ lâu, sau khi Iran và 6 cường quốc thế giới rơi vào tình trạng bất đồng trong ngày đàm phán thứ hai đầy căng thẳng hôm 21/11.
Mặc dù vậy, tới cuối phiên giao dịch 22/11, dầu ngọt nhẹ vẫn để tuột mất đà tăng ở đầu phiên để quay đầu hạ nhẹ, do các báo cáo mới nhất cho thấy tình hình tiêu thụ năng lượng tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, khi lượng dự trữ dầu thô của nước này đã trải qua 9 tuần tăng liên tiếp.
Tính chung cả tuần qua, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2014 tăng 1,1%, trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng cộng thêm 2,4%- đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong vòng bảy tuần qua của mặt hàng nhiên liệu chiến lược này.
Theo Minh Trang - vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]