Khách hàng chọn mua phomát tại một cửa hàng thực phẩm ở Saint Petersburg ngày 7/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tuy các lệnh trừng phạt chống Nga do Mỹ khởi xướng, song Liên minh châu Âu (EU) lại bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp đáp trả của Moskva, bởi khối này là đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga, ông Georgy Petrov cho rằng trong những năm tới, châu Âu có thể thiệt hại hơn 100 tỷ USD do các biện pháp trừng phạt trả đũa của Nga mà Ủy ban châu Âu (EC) không có khả năng bù đắp.
Đan Mạch là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất do lệnh cấm nhập các sản phẩm thịt vào Nga. Các nước cung cấp sản phẩm thịt lớn nhất cho Nga là Đan Mạch, Đức, Mỹ và Canada. Hà Lan, Ukraine, Phần Lan, Đức và Ba Lan là những nước cung cấp nhiều sản phẩm bơ sữa nhất cho Nga.
Các sản phẩm sữa của Ukraine và Phần Lan phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường Nga, với kim ngạch xuất khẩu vào Nga lần lượt chiếm 55% và 48%. Năm 2013, kinh tế Nga đã chi 4,3 tỷ USD cho các sản phẩm sữa nước ngoài.
Hoa và cây cảnh là những mặt hàng không thiết yếu, tuy nhiên việc cấm nhập khẩu các mặt hàng này có thể tác động mạnh tới kinh tế của nước xuất khẩu. Khoảng 83,9% kim ngạch xuất khẩu hoa của Latvia phụ thuộc vào Nga và lệnh cấm nhập khẩu có thể là thảm họa đối với ngành trồng hoa nước này.
Khoảng 20% rau quả xuất khẩu của Ba Lan gắn với Nga, đồng thời nền kinh tế nước này cũng phụ thuộc nhiều vào Nga - thị trường đem lại 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cho Warsaw. Thị trường Nga nhập nhiều rau nhất từ Hà Lan, chiếm 10% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. Thêm vào đó, đối tác xuất khẩu rau quả lớn Tây Ban Nha cũng có thể thiệt hại ít nhiều từ đòn trả đũa của Nga.
Kinh tế Ukraine có lẽ sẽ không thể hồi phục trước cú đòn cấm nhập khẩu rượu vang vì 84% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Kiev phụ thuộc vào Nga. Nga cũng mua nhiều rượu vang của Italy, Pháp và Tây Ban Nha.
Với Nga, động thái cấm nhập khẩu thực phẩm cũng tác động không nhỏ tới người tiêu dùng. Nga nhập khẩu 43 tỷ USD thực phẩm, và một nửa trong số đó đến từ các nước nằm trong đối tượng trừng phạt.
Nền kinh tế Nga nhiều khả năng sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt, tuy nhiên với người tiêu dùng, giá cả thực phẩm chắc chắn sẽ tiếp tục leo thang trong bối cảnh giá đã tăng do đồng rúp yếu đi. Theo các chuyên gia phân tích, để giành chiến thắng trong cuộc đối đầu này, Nga cần đưa ra các biện pháp mạnh để tái cấu nền kinh tế và hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa.
Cuộc đấu giữa hiện nay Nga và phương Tây gợi tới một cuộc chiến thương mại. Xu hướng này rất nguy hiểm vì nó diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chập chững hồi phục./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]