Giá giảm, tồn kho tăng
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê thuộc Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cao su đạt 337.000 tấn với giá trị đạt 644 triệu USD, giảm 11,7% về khối lượng và giảm 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2014 đạt 1.842 USD/tấn, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Đáng chú ý, các thị trường chủ lực xuất khẩu cao su như Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ đều giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch, trong đó thị trường Trung Quốc giảm 53,67% về khối lượng và 53,67% về giá trị; Malaysia giảm 21,09% về khối lượng và giảm 45,93% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Do diễn biến xuất khẩu cao su gặp khó khăn nên lượng tồn kho ngày càng lớn ở nhiều doanh nghiệp. Đơn cử, tính đến giữa tháng 6-2014, tại các doanh nghiệp của nhà nước và tư nhân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn tồn khoảng 10.000 tấn mủ cao su, trị giá trên 350 tỷ đồng. Nguyên nhân do trước đó các doanh nghiệp đã tập trung thu mua nguyên liệu để dự trữ, chế biến khi hết thời vụ khai thác, trong khi giá tiêu thụ cao su thành phẩm liên tục giảm mạnh.
Mặt khác, đến thời điểm này, nguồn cung cao su trong nước và các nước nhập khẩu đã vượt cầu. Trước tình cảnh này, tại nhiều địa phương như Tây Ninh, Đắk Nông, Bình Dương, Bình Phước và một số tỉnh miền Trung người dân phá bỏ vườn cao su để chuyển sang các loại cây trồng nông nghiệp ngắn ngày khác.
Một cán bộ Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, ngoài khó khăn khách quan chung về thị trường, trước đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 157/TT-BTC điều chỉnh thuế suất cao su xuất khẩu đã tạo ra rào cản trong việc đẩy mạnh xuất khẩu.
Cụ thể, Bộ Tài chính điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu 2 loại cao su ly tâm và cao su hỗn hợp từ 3% xuống 1%, trong khi lại tăng thuế suất xuất khẩu các mặt hàng cao su khác từ 0% lên 1%, tạo khó khăn lớn đối với cao su xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh giá cao su liên tục giảm từ năm 2012 đến nay.
Hiện các doanh nghiệp cao su cũng đã giảm sản xuất các loại cao su có thuế suất xuất khẩu tăng. Trước những bất cập này, VRA đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cân nhắc điều chỉnh mức thuế suất xuất khẩu mủ cao su sơ chế về 0% như trước đây nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá so với các nước khác.
Nâng chất lượng, mở rộng thị trường
Trước tình hình khó khăn của thị trường cao su, một số doanh nghiệp cao su có tiềm lực về vốn đã đầu tư máy móc thiết bị, kiểm soát chất lượng từ khâu thu mua, chế biến, cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định để chuyển hướng sang thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ.
Đơn cử, trong 5 tháng đầu năm 2014, Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh (Tây Ninh) đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Đức, Ai Cập… được 8.500 tấn cao su, trị giá 18,5 triệu USD. Đây cũng là giải pháp sống còn đối với doanh nghiệp cũng như người trồng cao su trong nước.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, nhằm đối phó với tình trạng cao su tụt giá, trước mắt các doanh nghiệp cần giảm sản lượng kế hoạch, chậm mở miệng cạo mủ đối với những vườn cây cao su mới, cắt giảm chi phí đầu tư thâm canh để duy trì doanh thu và lợi nhuận trong năm 2014. Đồng thời, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giảm kích thích, phân bón, tăng thời gian bảo dưỡng cho cây… để giảm giá thành sản xuất và bảo đảm thu nhập cho người lao động.
Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM Nguyễn Quốc Anh cho rằng, để cứu ngành cao su vượt qua khó khăn trước mắt, việc đầu tiên là phải rà soát và kiểm soát quy hoạch một cách chặt chẽ, tránh việc phát triển diện tích cao su tự phát như thời gian qua. Để trồng cao su có lãi cần lưu ý khâu chọn giống và những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.
Về phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), nhanh chóng cải tổ và đề ra phương hướng mới trong việc tiếp cận thị trường theo hướng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu mới, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan nên sớm xây dựng quy chuẩn quốc gia cho riêng sản phẩm của ngành cao su nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thống nhất kiểm soát chất lượng nguồn nhiên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy chế biến mủ cao su. Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động thiết lập liên hệ với khách hàng cũ, truyền thống cũng như khách hàng mới để có thể tiêu thụ được hàng hóa lúc thuận lợi cũng như khó khăn.
Mặt khác, lập kênh theo dõi, trao đổi thông tin về thị trường và dự báo để có kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hiệu quả; chú ý phát triển những thị trường mới có nhu cầu tăng trong năm 2014 như Ấn Độ, Malaysia, Hoa Kỳ… Có như vậy mới hy vọng “cứu” giá xuất khẩu cao su.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]