Ngày 25/3, Ngân hàng TPCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp với công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh tổ chức “Hội nghị khách hàng, tổ chức phát triển thị trường ngành xây dựng chuyên nghiệp”. Tại đây, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng được đưa ra thông qua chuỗi liên kết xây dựng khép kín của bốn nhà: Nhà băng, nhà đầu tư, nhà thầu và nhà cung ứng vật liệu xây dựng.
Tháo nút thắt cho BĐS từ vật liệu xây dựng
Ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc ngân hàng Xây dựng, cho biết gói 50.000 tỷ đồng này là của 10 ngân hàng: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, ACB, MBbank, LienVietPostBank, Oceanbank và VNCB. VNCB là ngân hàng đầu mối, còn công ty Thiên Thanh sẽ là đơn vị tổ chức kết nối bốn nhà lại với nhau.
Để tránh hiểu lầm, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhấn mạnh đây là sản phẩm tín dụng thương mại của các ngân hàng thương mại chứ không phải của Chính phủ. Dòng tiền này sẽ được kiểm soát chặt chẽ, góp phần đem lại hiệu quả tích cực trong việc giải phóng vật liệu xây dựng. Nhờ đó, các công trình đang xây dựng dở dang sẽ được hoàn thiện, sản phẩm sẽ bán được và nợ xấu sẽ giảm đi. “Tất nhiên, việc này sẽ góp phần giải phóng được hàng BĐS tồn kho” - ông Mạnh nói.
Với chuỗi kết nối bốn nhà, thị trường bất động sản sẽ có hy vọng ấm dần lên.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, cho rằng trong công trình xây dựng thì không dưới 70% giá trị nằm ở vật liệu xây dựng. Khi công trình xây dựng chuyển động sẽ kéo theo vật liệu xây dựng chuyển động và từ đó sẽ giải quyết được vấn đề tồn kho.
Sẽ có nhiều ngân hàng khác tham gia
Nhiều người băn khoăn 50.000 tỷ hay 100.000 tỷ đồng với thị trường BĐS vẫn là quá ít. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, người ta đã tính toán trên cơ sở tổng tín dụng cho ngành xây dựng hiện tại khoảng 700.000 - 800.000 tỷ đồng. Vì thế 50.000 hay 100.000 thậm chí 200.000 tỷ đồng vẫn không đủ.
“Nhưng sắp tới đây chúng ta sẽ thấy có những chương trình còn lớn hơn chương trình này” - ông Nghĩa nói.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng Nguyễn Viết Mạnh nói đây là chương trình tiên phong, phía NHNN sẽ tiếp tục đưa ra chính sách phù hợp để nuôi dưỡng sao cho có nhiều ngân hàng tham gia vào chuỗi bốn nhà. Hiện NHNN cũng đã làm việc với bảy ngân hàng khác để tham gia khoảng 70.000 tỷ đồng vào chương trình này. Vì là sản phẩm thương mại nên bất kỳ đối tượng nào cũng có thể vay nếu đủ điều kiện.
Ngoài ra, theo tính toán của ông Nghĩa, lãi suất vay sẽ mềm hơn do vòng vốn quay nhanh hiệu quả hơn, giá vật liệu xây dựng mềm hơn, công trình xây dựng nhanh hơn… “Hơn nữa, Thiên Thanh là nhà tổ chức sẽ gom lại nhiều đơn hàng, nhiều nhà thầu thành những gói hàng lớn và làm việc công khai dưới sự giám sát của ngân hàng. Khi tiêu thụ một lượng hàng lớn, ổn định thì chiết khấu sẽ cao hơn, người mua sẽ được lợi. Nhờ đó chi phí sẽ giảm đi rất nhiều” - ông Nghĩa nói.
Theo Ringnews.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]