Từ xa xưa, người Việt đã rất coi trọng chuyện cưới hỏi, thường lựa chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức hôn lễ cho đôi uyên ương. Nhưng, tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, đám cưới được quy định chỉ được diễn ra trong 2 ngày là mùng 2 và 16 âm lịch, riêng các tháng 10, 11 và 12 có thêm 2 ngày nữa là mùng 10 và 22.
Đây là quy định đã có trong hương ước của thị trấn Yên Lạc được ban hành năm 1998. Trong đó, chi tiết việc tổ chức cưới tiết kiệm văn minh được viết như sau: tổ chức đám cưới trong vòng 1,5 ngày, không tổ chức đón dâu 2 lần, loa đài phục vụ đám cưới phải nghỉ trước 22h để đảm bảo trật tự khu phố, tránh ô nhiễm tiếng ồn tới khu dân cư, không ăn uống linh đình, không hút thuốc lá, không sử dụng nhạc sống, không sân khấu đèn nhảy, không sử dụng loa có công suất lớn, không được đánh bạc…
Một đám cưới ở thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc. |
Trước năm 2010, trong bản quy ước này còn ghi rõ cô dâu không được mặc váy cưới mà chỉ được mặc tân thời hoặc thường phục. Song do người dân nhiều lần kiến nghị nên cô dâu Yên Lạc đã được mặc váy cưới như bình thường.
Trước khi kết hôn 3 tháng, chính quyền địa phương tổ chức một buổi gặp mặt tất cả cặp đôi cưới cùng đợt để cấp giấy đăng ký kết hôn và ký vào bản cam kết tuân thủ những quy định trên thì được cưới. Song, những điều này chỉ bắt buộc với nam thanh niên ở trong thị trấn hoặc cô dâu nơi khác về Yên Lạc. Còn những cô dâu Yên Lạc đi lấy chồng nơi khác thì rất thỏai mái.
Theo Phó chủ tịch thị trấn Yên Lạc, ông Phạm Văn Luân, bản quy định này do chính người dân nêu ý kiến, được bàn thảo công khai và được ủy ban nhân dân thị trấn Yên lạc phê duyệt và đưa vào thực thi. Ban đầu cũng có nhiều ý kiến trái chiều, tỏ ra bất bình, song càng làm lại thấy nó tiết kiệm, hiệu quả nên người dân cứ thế thực hiện và trở thành nếp sinh hoạt.
Anh Nguyễn Văn Nam, người làng thôn Đông, thị trấn Yên Lạc cho biết, vào mùa cưới, từ tháng 10 đến 12 hoặc những tháng sau Tết, nhất là vào những ngày đẹp là người ta tranh nhau cưới, có ngày lên tới 30 đám, cứ ra đường là lại gặp cô dâu chú rể. Đường vào thị trấn cứ xe hoa, xe khách chật ních, "đụng nhau" chan chát. Những ngày ấy, thị trấn cứ như mở hội cưới tập thể.
Và việc chạy xô đi ăn cưới với người dân Yên Lạc là điều bình thường. Nhà có mấy người là phải phân công nhau đi ăn và mừng cưới. Nếu không ăn uống được thì đến nhà mừng cho gia chủ rồi lại đi đám khác. Gặp người ai quen, ai cũng muốn ngồi hàn huyên chuyện trò nhưng lại phải đi ăn đám cưới khác, vừa tay bắt mặt mừng với chủ nhà bên này xong lại vội vội vàng vàng lên xe sang nhà khác mừng cưới. Người dân quê trọng tình trọng nghĩa là ai mời họ cũng đi rất chu đáo.
Yên Lạc với nghề sản xuất và buôn bán đồ gỗ. |
Tháng cao điểm, con đường vào thị trấn san sát những phông bạt đám cưới, nhà này nối nhà kia. Có chuyện hài tới mức, vì không nhớ rõ địa chỉ người thân mà vào nhầm nhà. Tới khi ngồi ăn cỗ, nhìn lên khung ảnh cưới mới tá hỏa mình nhầm.
Không chỉ có khách mới phải chạy xô mà gia đình nhà có đám cưới cũng đau đầu vì "cháy" dịch vụ cưới. Một ngày, hơn 10 đám cưới diễn ra nên việc thuê phông, bàn, bạt, bát đĩa, rồi loa đài, xe ôtô, xe khách rồi cũng chật vật hơn. Các gia đình phải đặt trước từ nhiều tháng hoặc sang các xã bên thuê mướn. Dịch vụ trang điểm, váy cưới cho cô dâu trong những ngày này cũng "sốt" xình xịch.
Bác Phạm Quang Tuất, thôn Trung thị trấn Yên Lạc, cho biết: “ Dù có mệt trong việc chạy xô đi ăn cưới, với người ngoài thì thấy buồn cười nhưng chúng tôi coi đó là sự giản tiện”.
Bác Tuất phân tích thêm, cả tháng mất có 2 ngày để đi mừng tất cả những gia đình có hỉ sự, tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Người dân Yên Lạc đa số là buôn bán và gia công đồ gỗ nên rất quý thời gian. Trước kia, chưa có quy định này, nhiều gia đình phải đi ăn cỗ cưới nhiều quá mà bê trễ việc kinh doanh, mất chữ tín với khách hàng.
Hơn nữa, việc cả thị trấn đi ăn cỗ cưới cũng giảm số lượng cỗ đi trông thấy. Mỗi gia đình chỉ còn vài chục mâm cỗ cưới, tiết kiệm được rất nhiều công nấu cỗ, rồi phục vụ đám cưới, giảm sự mệt mỏi xuống cho gia chủ.
Anh Hoàng Hiệp (23 tuổi) bộc bạch: “Tôi đi nhiều nơi nhưng chỉ thấy mỗi quê mình mới có quy định như vậy. Cứ đến 2 ngày ấy, thanh niên lại giúp bạn bè trong thôn kê dựng rạp, kê bàn ghế, làm cổng chào, vừa vui vừa ấm tình làng xóm”.
Người dân Yên Lạc vốn có nghề mộc truyền thống. Nhờ tiết kiệm thời gian cộng thêm đức tính chăm chỉ cần cù, năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh mà người dân Yên Lạc ngày càng khấm khá. Trong làng, xưởng gỗ cùng tiếng xưa kéo đục đẽo vang lên cả ngày, trên phố, các cửa hàng buôn bán sản phẩm đồ gỗ san sát nhau.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]