Ngày 9/6, một cụ bà 102 tuổi người Đức sẽ trở thành người già nhất thế giới được trao bằng tiến sĩ, sau gần 80 năm bị Đức Quốc xã ngăn cấm bà bảo vệ công trình nghiên cứu của mình.
Bà Ingeborg Rapoport đã hoàn thành công trình nghiên cứu về y khoa của mình vào năm 1937 và viết luận án tiến sĩ về bệnh yết hầu, một căn bệnh nghiêm trọng ở Đức thời kỳ đó.
Tuy nhiên người phụ nữ gốc Do Thái này đã bị Đức Quốc xã đàn áp, ngăn cấm, khiến bà phải chờ đợi gần 8 thập kỷ mới có thể nhận tấm bằng tiến sĩ mà mình xứng đáng có được.
Theo luật chống người Do Thái của Adolf Hitler thời kỳ đó, bà Ingeborg đã không được phép tham dự kỳ thi vấn đáp cuối cùng để bảo vệ luận án tiến sĩ, mặc dù bà đã được Đại học Hamburg gửi thư xác nhận rằng bà đủ điều kiện để được trao bằng tiến sĩ.
Mãi gần 80 năm sau, 3 giáo sư khoa Y đại học Hamburg mới gặp gỡ bà Ingeborg trong một căn phòng ở thủ đô Berlin để nghe bà trình bày về công trình nghiên cứu được thực hiện từ thời Đức Quốc xã.
Các giáo sư này đã rất ấn tượng với công trình nghiên cứu của bà, và một buổi lễ đặc biệt sẽ được tổ chức vào tối nay tại Trung tâm Y tế Đại học Hamburg để trao cho bà Ingeborg tấm bằng tiến sĩ mà bà đã bị phát xít Đức tước đoạt.
Bà Ingeborg tâm sự: “Đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc. Tôi không khăng khăng bảo vệ luận án vì lợi ích của mình. Dù sao, ở tuổi 102, việc này không hề dễ dàng với tôi nữa. Nhưng tôi làm điều này là vì tất cả những nạn nhân của Đức Quốc xã”.
Để chuẩn bị cho buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, bà Ingeborg đã phải nhờ bạn bè, người quen lục tìm trên Internet những tiến bộ của y học trong lĩnh vực chữa trị bệnh yết hầu suốt 80 năm qua để bổ sung cho công trình của mình.
Bà Ingeborg hồi trẻ
Bà cho biết: “Đại học Hamburg muốn khắc phục một điều bất công trong quá khứ. Các giáo sư của họ đã rất kiên nhẫn với tôi, và tôi vô cùng biết ơn vì điều đó”.
Năm 1938, trước sự bắt bớ, đàn áp của phát xít Đức đối với người Do Thái, bà Ingeborg đã phải bỏ dở công trình nghiên cứu của mình và chạy nạn tới Mỹ, nơi bà tiếp tục công tác tại một trường đại học.
Tuy nhiên, đến thập niên 1950, vì những biến động chính trị, bà Ingeborg cùng chồng đã trở về Đông Đức và trở thành một bác sĩ nhi khoa. Sau một thời gian, bà được phong tặng danh hiệu giáo sư nhi khoa tại bệnh viện danh tiếng Charite ở Đông Berlin.
Bà đã được chính phủ Đông Đức tặng bằng khen vì đã có công rất lớn trong việc giảm mạnh tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại nước này.
Tuy nhiên với người phụ nữ này, việc lấy lại được tấm bằng tiến sĩ từng bị phát xít Đức đánh cắp mới là một trong những thành công ấn tượng nhất ở tuổi 102.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]