1. Cấp độ của tốc độ thẻ nhớ
Không phải tất cả thẻ nhớ SD đều có tốc độ như nhau, và điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sử dụng.
Chẳng hạn, nếu bạn là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cần chụp ảnh liên tiếp, nhanh chóng trên chiếc máy ảnh ống kính rời (DSLR) và lưu chúng ở định dạng ảnh RAW độ phân giải cao, thì sẽ cần đến một thẻ SD tốc độ cao để máy ảnh có thể lưu ảnh càng nhanh càng tốt.
Một thẻ SD nhanh cũng rất quan trọng nếu bạn muốn ghi video độ phân giải cao. Trong trường hợp chỉ cần chụp một vài hình ảnh trên một máy ảnh thông thường, hoặc chỉ để lưu trữ dữ liệu trên smartphone, bạn không cần quan tâm lắm đến tốc độ của thẻ.
Các nhà sản xuất dùng thuật ngữ Speed class (cấp độ tốc độ) để thể hiện tốc độ của thẻ nhớ SD.
Có 4 speed class khác nhau, gồm 10, 8, 4, 2. Trong đó, cấp độ 10 là nhanh nhất, và cấp độ 2 là chậm nhất. Class 2 thích hợp cho quay video độ nét tiêu chuẩn, trong khi Class 4 và 6 phù hợp cho quay video độ nét cao; Class 10 phù hợp với quay video full HD và ghi âm HD, chụp ảnh chất lượng cao liên tiếp.
Ngoài ra còn có 2 Speed class tốc độ siêu cao (UHS) là cấp độ 1 và 3. Tuy nhiên, chúng đắt hơn và được thiết kế cho các mục đích sử dụng chuyên nghiệp. Hơn nữa, thẻ UHS chỉ được thiết kế cho các thiết bị có hỗ trợ UHS.
Những cấp độ theo thứ tự tốc độ từ thấp nhất đến nhanh nhất được thể hiện bằng các biểu tượng rất dễ nhận ra (vòng tròn hình chữ C hoặc U và số cấp độ bên trong).
Thẻ class 4 hoặc 6 thích hợp sử dụng trong một số máy ảnh, smartphone, tablet; class 10 rất lý tưởng nếu bạn đang quay video độ phân giải cao hoặc chụp ảnh định dạng RAW. Class 2 có tốc độ rất chậm, bạn không nên sử dụng, trừ trường hợp trên các máy ảnh, smartphone đời... rất cũ.
Ngoài ra, nếu thấy không có biểu tượng Speed class, nghĩa bạn đang sử dụng thẻ SD class 0, loại thẻ được thiết kế và sản xuất trước khi hệ thống đánh giá Speed class ra đời, tốc độ chậm hơn so với thẻ class 2.
Speed class của thẻ nhớ SD được xác định trên chính thẻ SD. Thông tin này có trên các cửa hàng mua bán trực tuyến, được niêm yết trên bao bì khi bạn mua thẻ.
2. Kích cỡ vật lý
Các thiết bị sử dụng các kích cỡ khác nhau của thẻ SD, gồm 3 kích thước: thẻ SD kích thước tiêu chuẩn, thẻ nhớ mini SD, và thẻ nhớ micro SD.
Thẻ SD tiêu chuẩn có kích thước lớn nhất 32 x 24 x 2.1 mm và nặng chỉ 2g. Hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số sử dụng thẻ SD tiêu chuẩn với thiết kế cắt góc.
Thẻ mini SD nhỏ hơn so với thẻ SD tiêu chuẩn, kích thước 21,5 x 20 x 1,4 mm và nặng khoảng 0,8g. Đây là kích thước phổ biến nhất hiện nay, được sử dụng rộng rãi trên điện thoại di động.
Thẻ nhớ microSD có kích thước nhỏ nhất 15 x 11 x 1 mm và trọng lượng chỉ 0,25 g, được sử dụng trong hầu hết các điện thoại di động và smartphone có hỗ trợ thẻ nhớ, cũng như trong tablet.
Thẻ SD chỉ hoạt động với khe cắm phù hợp, bạn không thể cắm thẻ micro SD vào khe cắm của thẻ SD tiêu chuẩn được. Tuy nhiên, bạn có thể mua một bộ chuyển đổi cho phép cắm thẻ micro SD vào thẻ SD.
3. Dung lượng lưu trữ
Giống như ổ đĩa flash USB, đĩa cứng và các phương tiện lưu trữ khác, thẻ SD khác có khá nhiều mức lưu trữ khác nhau. Các thẻ SDSC (SD) tiêu chuẩn có dung lượng từ 1 MB đến 2 GB. Chuẩn SDHC được tạo ra sau đó với mức dung lượng 2 GB đến 32 GB.
SDXC là chuẩn mới nhất có dung lượng từ 32 GB đến 2 TB. Tuy nhiên với hai chuẩn mới này, bạn cần trang bị thêm một thiết bị có hỗ trợ thẻ SDHC hoặc SDXC mới có thể sử dụng được. Tại thời điểm viết bài này, phần lớn các thiết bị hỗ trợ SDHC.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]