Hạnh phúc gia đình luôn là hạnh phúc riêng, kiểu hạnh phúc của gia đình này không thể hoàn toàn giống gia đình khác được. Ảnh minh họa.
Vợ muốn xem ti vi thêm, anh xung phong đưa con lên ngủ trước. Anh thấy vui với điều đó và tất nhiên, người vui hơn là vợ anh. Thế nhưng, khi chia sẻ chuyện đó, anh bị “ném đá” tơi bời: “Ông đội vợ lên đầu luôn cho rồi”, “Chú em sai lầm quá, cứ làm thế, vợ hư là đúng rồi”, “Đàn ông chẳng ai như vậy cả, mất hết cả uy”, “Chú em về phải chỉnh đốn lại, bắt vợ tự lo những việc cơ bản thuộc về vợ, vợ phải ra vợ chứ”… Anh nghe mà váng hết cả đầu.
Anh đã tin là mình đang hạnh phúc, nhưng đó có phải là hạnh phúc thật? Nếu thật thì tại sao mọi người đều thấy “có vấn đề”, chỉ mình anh thấy ổn?
Mới đây, mẹ anh ở quê lên chơi. Sau bữa cơm, anh lại lui cui đi rửa chén, trong khi vợ ngồi tám với bạn qua điện thoại. Không dám nhìn lâu vào nét mặt mẹ, anh biết, mẹ anh đang bực lắm. Trước khi về, mẹ “gửi” riêng cho anh bức xúc: “Không có mẹ ở đây, hai đứa muốn làm gì thì làm, vợ con làm bà hoàng của con kiểu gì cũng được. Nhưng có mẹ, nó phải nể mặt mẹ chứ? Ai lại vô tâm vô tính đến mức để chồng rửa chén trước mắt mẹ chồng như thế?”. Anh lí nhí giải thích: “Có gì đâu hả mẹ! Việc rửa chén, ai làm chả được, con thấy bình thường thôi mà”. Mấy hôm sau, mẹ anh lại gọi điện thoại, “nói cho ra lẽ” chuyện hôm trước. Mẹ vẫn giữ quan điểm: “Vợ là chăm lo, quán xuyến việc gia đình. Mấy việc lặt vặt trong nhà, vợ phải lo hết. Có như vậy, đàn ông mới rảnh rang mà lo việc lớn. Con thấy bố con không? Cả đời có đụng vào việc rửa chén bao giờ đâu? Có phải cọ toilet bao giờ đâu? Mà bố con có muốn, mẹ cũng không cho làm. Như vậy gia đình mới hạnh phúc, con ạ”. Anh bắt đầu mất bình tĩnh: “Nhưng bố là bố, con là con, mẹ là mẹ và vợ con là vợ con. Bốn người không giống nhau, quan điểm sống khác nhau. Mẹ đừng áp đặt như thế. Bố không rửa chén là thiếu sót của bố, mà cũng là do mẹ chiều bố quá. Mẹ đừng lấy chuẩn đó ra áp cho con”. “À, giờ thì mẹ đã thấy con và bố có điểm chung rồi đấy. Đó là ngang như cua chẳng nghe góp ý của mẹ gì cả”. “ Đôi co một lúc, mẹ anh dỗi: “Thôi giờ vợ con là nhất, mẹ của con là vứt đi, mẹ không thèm quan tâm nữa”.
Thái độ của mẹ đã khiến anh quyết định thử thay đổi một lần.
Một hôm, ăn cơm tối xong, anh không dọn nữa. Vợ chơi game, anh gác chân đọc báo. Vợ bảo “thèm ăn trái cây”, anh nói “có tay thì tự đi mà gọt”. Anh thử sống như bố anh, xem thế nào.
Nhưng rồi anh chỉ giống bố anh được một nửa, tức là giống cái khoản không đụng tay vào việc nhà, nhưng vợ anh không phải là mẹ anh, nên vợ anh không “cơm bưng nước rót” cho chồng. Tất nhiên, vợ anh không vui vẻ như mẹ anh, mà bực dọc, “đá thúng đụng nia”. “Tuồng” đó diễn được đến ngày thứ ba, vợ anh gây sự: “Thế nào? Anh có bồ rồi đúng không? Sao tự dưng thay đổi đột ngột vậy? Anh còn muốn sống với em nữa không?”.
Thật sự, anh cũng chịu hết nổi cảnh “chồng gồng lên đóng vai một ông gia trưởng để giáo dục vợ về bổn phận phục vụ”. Anh lại xuống nước, lại “có hiếu với vợ” như cũ. Vợ anh vui vẻ trở lại, nhà đầy ắp tiếng cười. Rồi anh phát hiện, lạ ở chỗ, thời độc thân anh “lười như hủi”, giờ lại đâm ra ghiền rửa chén, lau nhà, cọ toilet. Anh vừa rửa chén vừa huýt gió, trong đầu nghĩ ngợi thêm được nhiều thứ hay ho cho công việc - mà nếu anh xem ti vi thì chẳng thể nghĩ ra được. Như vậy cũng hợp lý, có gì kinh khủng lắm đâu?
Anh biết, đồng nghiệp, bạn bè vẫn cho là anh bất hạnh, gắn cho anh cái "mác" đội vợ lên đầu; mẹ anh ở quê vẫn “thấy bực khi mỗi lần nghĩ đến thằng con”, nhưng anh sống với vợ con, chứ đâu sống với mẹ hay bạn bè, đồng nghiệp. Miễn sao anh thấy vui, vợ yêu anh hơn, gia đình anh yên ấm là được rồi. Hạnh phúc gia đình luôn là hạnh phúc riêng, kiểu hạnh phúc của gia đình này không thể hoàn toàn giống gia đình khác được. Mà cái riêng ấy, người ngoài làm sao hiểu hết?
Theo Yeutretho
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]