- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
"Sao mai" Thành Lê (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nói “Tình em như sông dài”
là sự liều lĩnh của Thành Lê, bởi như cô chia sẻ, giọng hát và sắc vóc của cô thực sự “đo ni đóng giày” với dòng nhạc dân gian, đặc biệt dân ca miền Trung, “nếu vượt qua khỏi dải eo đó” cô sẽ cảm thấy “chông chênh” vô cùng.
Thế nên sau giải nhất Sao Mai 2007, Thành Lê tự “an phận” và giới hạn mình trong sự an toàn, vừa phải khi đều đặn ra tới 6 album với những ca khúc dòng dân gian, trữ tình đậm chất hồn quê miền Trung.
Dẫu ít năm trở lại đây, nói về dòng nhạc dân gian, chưa có giọng hát nào vượt qua cái “bóng” Anh Thơ, nhưng Thành Lê “ghi điểm” với giới chuyên môn bởi phong cách riêng, nỗ lực tìm tòi, dám nghĩ dám làm trong âm nhạc.
Với chất giọng hơi khàn, Thành Lê không hát dân gian kiểu “thuần chất,” ướt át mà mang hơi hướng semi của dòng nhạc nhẹ.
Tuy nhiên ở CD Vol 7 Tình em như sông dài” Thành Lê đã bất ngờ tự “làm khó” mình khi lần đầu tiên hát một ca khúc “đậm đặc” nhạc nhẹ -“Em chỉ có mình anh thôi” của nhạc sỹ Tuấn Phương.
Thành Lê là giọng hát quê xứ Nghệ. Cô đoạt giải nhất Sao Mai năm 2007(Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Với “Em chỉ có mình anh thôi,” Thành Lê truyền tới nhiều xúc cảm lạ lẫm, với giọng hát đầy cảm xúc, vừa dữ dội, khát khao nhưng vẫn dịu dàng, đằm thắm đúng “chất” con gái miền Trung nắng gió, yêu mãnh liệt thủy chung và đắm sâu.
Là “cha đẻ” của ca khúc, nhạc sỹ Tuấn Phương hoàn toàn bất ngờ khi Thành Lê, một ca sỹ dòng dân gian lại ngỏ lời muốn hát một ca khúc thuần nhạc nhẹ. Anh nhận xét: Đây là một “cuộc lột xác ngoạn mục” của Thành Lê với những ca khúc mang hơi hướng semi classic (bán cổ điển) cả trong phối khí và trong cách hát.
"Em chỉ có mình anh thôi” đến với Thành Lê khi lần đầu tiên cô nghe ca sỹ Tấn Minh thể hiện và cô đã tin rằng bài hát ấy là để dành cho mình. Với nhạc sỹ Tuấn Phương, ông chia sẻ khi lần đầu nghe Thành Lê cất lên những câu hát đầu tiên, ông thấy gai người như bị “chạm” đúng trải nghiệm, cảm xúc lúc viết ra…
Điểm nhấn của CD Vol 7 “Tình em như sông dài” chính là sự kết hợp giữa Thành Lê và Vũ Thắng Lợi, người đồng hương của cô, từng đoạt giải Nhì Sao Mai 2011 và đang dần định hình dấu ấn của mình trong dòng semi classic.
Với hai ca khúc trữ tình lãng mạn cách mạng “Đất nước tình yêu,” “Đất nước bên bờ sông” được phối khí với nhịp điệu hối thúc, liên khúc và thể hiện theo hình thức song ca, hát đuổi, Thành Lê và Vũ Thắng Lợi đã thực sự tạo nên vỹ thanh, ngân dài vừa trữ tình như hùng tráng, đem tới một diện mạo mới cho hai ca khúc vốn đã rất quen thuộc.
Thành Lê và Vũ Thắng Lợi (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Theo lẽ thường, như nhiều ca sỹ còn miết mải đi tìm cái tên của mình trong làng nhạc, họ sẽ mời ca sỹ “sao” cùng song ca để nâng giọng hát và tên của mình, Thành Lê đã khiến tôi ngạc nhiên trả lời câu hỏi tại sao chọn Vũ Thắng Lợi để "song hành": Lê và Lợi đều là người miền Trung, cùng mang tiếng hát của mình lang thang xứ khác, trong âm nhạc chúng tôi có sự đồng điệu và thương mến nhau. Vũ Thắng Lợi có nội lực rất lớn trong nghệ thuật, nỗ lực tìm tòi, làm mới mình của Vũ Thắng Lợi truyền cảm hứng mãnh liệt cho Thành Lê. Tính cách chân thành mộc mạc, nhưng đằm sâu, bay bổng trong âm nhạc của Vũ Thắng Lợi luôn khiến Thành Lê tin đó là của để dành trong đường dài của mình…”
Ngoài nỗ lực làm mới mình, liều lĩnh thổi hơi hướng nhạc nhẹ vào CD, “Tình em như sông dài” vẫn cho thấy sự chắt chiu, “nặng nợ” của Thành lê với dòng nhạc dân gian. Những bài hát mang âm hưởng dân gian như: “Giấc mơ cánh cò” (Vũ Quốc Việt), “Tình em” (Huy Du), “Cho dù có đi nơi đâu” (Thế Hiển), “Đừng ví em là biển” (Trần Thanh Tùng) , “Thuyền và biển”… đều được khoác chiếc áo mới với phong cách phối khí hiện đại, thiên về nhạc nhẹ với dàn nhạc điện tử phối hợp với dàn dây.
Kỳ công trong việc tìm tòi, thể nghiệm cách phối khí hiện đại vào dòng nhạc dân gian, ngoài việc “chơi sang” còn cho thấy sự cầu toàn của Thành Lê khi “cậy nhờ” nhạc sỹ Lưu Hà An khi thay đến bản phối khí thứ năm để “làm mới” ca khúc được xem là mẫu mực như “Thuyền và biển.”
Chính vì thế CD “Tình em như sông dài” có đến bốn nhạc sỹ phối khí, và như tiết lộ của Thành Lê cô đã tiêu tốn hàng trăm triệu để có được những bản phối khí ưng ý.
Bỗng thấy trân quý và hy vọng trước thái độ làm nghề và sự chăm chút của cô gái xứ Nghệ, trước tâm sự thẳng thật đến mộc mạc: “Thành Lê cũng thấy mình khác người, người ta đi hát, chắt chiu được bao nhiêu vốn liếng phải mua nhà, sắm xe, yên bề gia thất nhưng Lê thì cứ được một khoản lại tái đầu tư cho âm nhạc. Sản phẩm này đã là CD thứ 7 rồi nhưng Thành Lê vẫn còn nhiều ý tưởng, vẫn còn máu làm, và thích làm với người trẻ bởi họ sẽ tiếp thêm lửa nghề cho Lê…”
Thành Lê và ca sỹ Anh Thơ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Có lẽ vậy chăng, mà Thành lê không sợ hát lại những bài hát cũ, thậm chí không sợ bị “đè” bởi cái “bóng” Anh Thơ khi vẫn hát lại ca khúc đã gắn với tên tuổi của chị- “Đừng ví em là biển” bởi như trong lời trải lòng của mình, Thành Lê sợ là trở thành một phiên bản “na ná” đàn chị, sợ không thổi được hơi thở mới mang dấu ấn riêng trong giọng hát, cách hát, tư duy âm nhạc với công chúng yêu nhạc./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]