Vì cái nghèo đeo bám mà Mạc Can từng nhiều lần muốn tìm đến cái chết, còn diễn viên Thanh Xuân phải bán vé số trong suốt 15 năm.Hồ Kiểng sinh năm 1926 tại Bến Tre. Ông đã đóng hơn 200 bộ phim, gần 50 vở kịch nói, hơn 300 kịch truyền thanh, 12 vở cải lương. Tuy sự nghiệp thăng hoa nhưng khi về già, Hồ Kiểng vẫn sống đời tạm bợ trong một ngôi nhà nguyên là nơi chứa máy phát điện ở đường Cao Thắng, Q.3, TP.HCM. Trong suốt 30 năm cuối đời, Hồ Kiểng chỉ sinh hoạt trong căn phòng lụp xụp 17 m2. Những vật dụng đáng giá nhất đối với ông là 2 bộ quân phục treo ở đầu giường cùng những bằng khen, bằng công nhận kỷ lục gia và nhiều ảnh cá nhân treo trên vách.
Tuy nhiên, Hồ Kiểng không quan trọng chuyện nhà cửa, đất đai. Ông luôn sống với tinh thần thoải mái và ngập tràn tiếng cười. Ngày 3/4/2013,
nghệ sĩ Hồ Kiểng qua đời để lại cho công chúng sự xót xa, tiếc nuối đối với 1 nghệ sĩ chân chính.
Văn Hiệp lúc sinh thời chỉ sống trong một căn nhà ước chừng 8m2. Vật dụng trong nhà giản dị với chiếc bàn gỗ nhỏ để tiếp khách. Dù đóng nhiều phim nhưng thù lao quá ít ỏi, không đủ ông điều trị bệnh.Trong những năm khó khăn, vợ ông đã đi lao động xuất khẩu ở Đức để lo cho gia đình.
Lúc tuyệt vọng vì quá nhiều bệnh trong người, ông từng nói với con trai, nếu bố có làm sao thì để thở oxy một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền.Vào ngày 9/4/2013, ông qua đời vì bệnh phổi và suy thận
Tuấn Dương sinh năm 1952, với vóc dáng nhỏ cùng giọng nói hài hước, ông thường được giao những vai
diễn đàn ông sợ vợ, người nông dân thật thà. Những vai diễn của ông thường để lại ấn tượng mạnh mẽ, và ông trở thành một trong những nghệ sĩ được khán giả yêu thích nhất trên các bộ phim truyền hình của VTV.
Ngày 2/12/2013, nghệ sĩ Tuấn Dương đã qua đời vì căn
bệnh ung thư. Hình ảnh còn lại về căn nhà nơi
vợ chồng nghệ sỹ sinh sống khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Nghệ sĩ Trần Hạnh nổi tiếng thông qua vai diễn lão nông khắc khổ trên truyền hình. Tuy sống trong căn nhà 4 tầng nhưng ít ai biết, trong căn nhà chỉ có vài món đồ đơn sơ và cũ kỹ.
Hiện tại, Trần Hạnh đang sống cùng cậu con út bị bệnh. Sức khỏe ốm yếu nhưng NSƯT Trần Hạnh cũng chỉ đủ ăn qua ngày với đồng lương ít ỏi 2 triệu đồng.
Mạc Can sinh năm 1945, trong một gia đình nghèo, đông anh em. Trong gia đình, Mạc Can là người duy nhất theo đuổi con đường nghệ thuật. Tuy chỉ đóng vai phụ nhưng với niềm đam mê và tâm huyết, Mạc Can vẫn được khán giả yêu mến và nhớ đến.
Dù bước qua tuổi 70 nhưng Mạc Can vẫn là người vô sản, không nhà, không vợ con. Mạc Can
chia sẻ nhiều lần, ông thật sự muốn tìm đến cái chết như một lối thoát. Không phải chỉ là nói mà trên thực tế, Mạc Can đã vài lần tự tử hụt, vì buồn, vì bi kịch riêng tư.
Trang Thanh Xuân tên thật là Đào Thị Thanh Xuân, sinh năm 1952. Cô sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ nghèo có ba mẹ đều theo gánh hát. Thanh Xuân từng hát chính và được khán giả nhắc đến nhiều với vai diễn Bạch Thanh Nga trong vở Máu nhuộm sân chùa hát chung với Minh Tâm, Vũ Linh.
Tuy nổi tiếng một thời nhưng hơn 15 năm nay, nghệ sĩ Thanh Xuân phải bán vé số và nhặt ve chai ngay khu vực chợ Rạch Ông tại Quận 8, TP.HCM. Công việc bán vé số dạo và nhặt ve chai đem lại chừng 60.000 đồng mỗi ngày. Cô trích ra 20.000 đồng mua thức ăn. Những ngày bệnh tật hành hạ phải nằm một chỗ, cô chỉ có cháo trắng qua ngày.
Theo Zing.vn