Không phải bộ phim nào được chuyển thể từ các sáng tác được giới trẻ yêu thích cũng có doanh thu khổng lồ như loạt “The Twilight Saga”, hay chất lượng cao như “The Hunger Games”.Eragon (2006): Tác phẩm giả tưởng được kỳ vọng sẽ là hậu duệ của Harry Potter ngay từ khi vẫn còn nằm trên giấy. Nhưng khi bộ phim Eragon được trình chiếu, khán giả lại quay mặt ước rằng giá như cậu bé cưỡi rồng cứ ở yên trong những trang sách và đừng “phi lên” màn ảnh làm gì. Nhiều nhà phê bình điện ảnh hàng đầu đã không ngại ngần đánh giá đây là bộ phim “chán chưa từng thấy” trong số các tác phẩm chuyển thể từ văn học. Eragon phiên bản điện ảnh phải chật vật mới đạt được mức doanh thu tránh lỗ, kèm theo hàng loạt lời chê bai từ chính các fan của nguyên tác.
I am Number Four (2011): Nguyên tác văn học từng là loạt sách giả tưởng ăn khách, khuấy động thị trường xuất bản nước Mỹ trong thời gian dài. Nhưng bộ phim I am Number Four thì lại đập tan danh tiếng của loạt truyện. Kịch bản rời rạc, kỹ xảo phô trương không ăn nhập với nội dung, dàn diễn viên đông đúc nhưng không đồng đều về khả năng diễn xuất chính là những nguyên nhân khiến bộ phim thất bại. Với nhân vật chính Number Four, nam diễn viên Alex Pettyfer chứng tỏ với khán giả rằng tài năng và cơ bắp của anh hoàn toàn tỷ lệ nghịch. Không khó hiểu khi truyện dài ba tập nhưng phiên bản điện ảnh đã “chết yểu” chỉ sau đúng một tác phẩm.
Beastly (2011): Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Alex Flinn, phiên bản hiện đại của Giai nhân và quái vật ban đầu gây cho công chúng khá nhiều sự tò mò. Tuy nhiên, lối diễn xuất nhạt nhòa của Alex Pettyfer và Vanessa Hudgens, cộng với một cốt truyện cách tân nhưng chẳng mấy hấp dẫn đã khiến mọi người chán ngán ngay sau khi rời rạp. Doanh thu thảm hại và rating vỏn vẹn chỉ 5.5 trên trang IMDb khiến Beastly đứng trong hàng ngũ những bộ phim chuyển thể thất bại toàn tập.
Alex Cross (2012): Ít ai biết, bộ phim hành động này được thực hiện dựa trên loạt tiểu thuyết trinh thám -
hình sự nổi tiếng của tác giả James Patterson. Nội dung thiếu điểm nhấn, ít đột phá, thời điểm ra mắt không thuận lợi và dàn diễn viên ít tên tuổi chính là những lý do khiến doanh thu phim không được như mong muốn. Alex Cross phiên bản điện ảnh được khán giả đánh giá rất thấp chỉ với điểm số 5.1 trên trang IMDb.
The Host (2013): Cũng đến từ ngòi bút của Stephenie Meyer, The Host từng được ví như “cô em gái” đầy tiềm năng của The Twilight Saga khi từng có 26 tuần liên tục đứng đầu những cuốn sách bán chạy nhất tại nước Mỹ. Thế nhưng, số phận điện ảnh của nó lại không được viên mãn khi chỉ có thể về 63 triệu USD, kèm theo lượt rating khá thấp trên các
bảng xếp hạng. Dù được đạo diễn Andrew Niccol nổi tiếng thực hiện, The Host bị đánh giá mang nội dung cũ rích, mạch phim dài dòng và cố tình đan xen quá nhiều chi tiết tình cảm gây phản tác dụng.
The Mortal Instruments: City of Bones (2013): Tuy là một nhà văn trẻ, nhưng với bộ tiểu thuyết The Mortal Instruments bán chạy trong suốt một thời gian dài, Cassandra Clare gây được nhiều ấn tượng với hàng vạn độc giả trên toàn cầu. Câu chuyện tập hợp đầy đủ các thế lực dị nhân, ma cà rồng, quỷ dữ, người sói, chiến binh,… đan xen với những mối
quan hệ đôi lứa, tay ba, đồng tính hết sức phong phú trong nguyên tác tưởng chừng sẽ rất thú vị khi trở thành kịch bản điện ảnh. Nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Một bộ phim đánh mất gần như toàn bộ tinh thần truyện gốc là lời bình luận của khán giả trên khắp các trang mạng dành cho City of Bones. Với doanh thu toàn cầu ở mức 90 triệu USD, không mấy bất ngờ khi hãng phim Constantin lại do dự trước ý định thực hiện phần tiếp theo.
Beautiful Creatures (2013): Chất rùng rợn và kỳ ảo vốn có của Beautiful Creatures thực sự rất thu hút qua ngôn từ, nhưng qua phần hình ảnh vụng về của bộ phim, tinh thần của nguyên tác gần như biến mất. Hội tụ nhiều
ngôi sao lớn nhỏ, tạo hình khá, dựng cảnh tốt, quảng bá rộng rãi… nhưng sự rập khuôn và mất cân bằng về nhiều mặt trong cách thể hiện đã khiến cho Beautiful Creatures trở nên tầm thường như nhiều bộ phim khác.
Theo Zing.vn