- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Với kinh nghiệm 10 năm lắng nghe những câu chuyện gia đình trong chương trình ‘Người xây tổ ấm’, nhà báo Kim Ngân đã chắt lọc và lên nội dung phim ‘Mưa bóng mây’. Phim được xây dựng chân thực, tái hiện một vấn đề đang nhức nhối trong xã hội: Ngoại tình.
Không có những chi tiết giật gân, những câu chuyện bi kịch hóa quá mức; Mưa bóng mây nhẹ nhàng, sâu sắc với những chuyện ngày thường. Phim nói về ba phụ nữ chơi thân với nhau từ thời đại học. Bích có một gia đình truyền thống mẫu mực với vợ là giáo viên, chồng là nhà nghiên cứu cùng hai con trai ngoan ngoãn. Nga lại có một tổ ấm ‘hoàn hảo’ cùng người chồng yêu vợ, hai con cả nếp lẫn tẻ và gia đình nội ngoại hòa thuận. Huệ thì khác hẳn: hai vợ chồng giàu có, cuộc sống bên ngoài nhiều màu sắc nhưng bi kịch là anh chồng bị bất lực.
Ngay từ những tập đầu phim, sẽ dễ nhận thấy mâu thuẫn trong gia đình Bích khi cô suốt ngày chì chiết chồng về chuyện tiền bạc. Nhà Huệ thì nhẹ nhàng hơi nhưng rạn nứt như mưa dầm thấm lâu qua những đêm anh chồng thờ ơ ngủ bỏ lại cô vợ xinh đẹp. Riêng gia đình Nga, khó ai nhìn thấy kẽ nứt trong gia đình họ. Vậy mà sau đó, bóng đen ngoại tình đã bao phủ lên cả ba gia đình nhỏ.
Hóa ra là vậy: Ngoại tình không chừa một ai. Cái đáng nói là ở chỗ, các nhân vật trong phim đều không xấu. Tất cả họ, chồng lẫn vợ, đều có ý thức về việc xây dựng gia đình hạnh phúc, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau. Nhưng hôn nhân là cả một nghệ thuật. Nếu không khéo nêm nếm gia vị thì món ăn sẽ hỏng bét.
Nhân bất thập toàn. Cuộc sống vốn dĩ không hoàn hảo. Việc nhận ra nửa kia của mình có những khiếm khuyết là điều không thể tránh khỏi. Đến với nhau là cái duyên, nên nếu cứ cân đo, nhấc lên hạ xuống thì sẽ không bao giờ có được hạnh phúc. Hôn nhân là sự cam kết về tình yêu, là ràng buộc về pháp lý, là ươm mầm ra những đứa trẻ.
Chuyện kể rằng có một anh chàng đã có vợ nhưng say đắm bồ trẻ. Anh này tới gặp Phật vì thấy áy náy với vợ. Phật nói rằng anh ta mới chính là người bất hạnh, còn vợ anh ta là người hạnh phúc. Anh ta không hiểu nổi bởi bây giờ anh ta sắp bỏ được vợ và lấy người mới còn cô vợ thì vò võ một mình. Phật nói rằng: “Trong hôn nhân, vợ con vẫn có tình yêu đối với con, còn con đã mất đi một tình yêu đối với vợ con. Bởi vì con đã yêu người khác, chính vì có hạnh phúc, mất đi mới đau khổ, cho nên người đau khổ là con.” Thế mới nói, người ra đi là người đau khổ. Ở lại, cùng nhau gìn giữ thì hạnh phúc mới viên mãn.
Niềm đau đáu hơn cả trong phim là ánh mắt của những đứa trẻ vô tội khi cha mẹ lục đục. Người lớn, dù sao đi nữa, vẫn có trải đời để vượt qua đau khổ. Chỉ có trẻ nhỏ, như tờ giấy trắng bị vẽ lem nhem. Tất cả sẽ hằn sâu như một vết sẹo không mờ trong đời những đứa trẻ. Ai cũng tự nói rằng cha mẹ “chiến tranh” thì con cái cũng không hạnh phúc, chi bằng bỏ nhau cho xong. Không, đấy chỉ là lời biện hộ cho tính ích kỷ cá nhân. Không, gia đình là lớp bảo vệ cho đứa trẻ. Một đứa trẻ có cả cha lẫn mẹ bao giờ cũng phát triển lành mạnh hơn một đứa trẻ mà cha mẹ ly hôn.
Như đã nói, Mưa bóng mây có nội dung không lạ, không giật gân, nhưng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người đang lầm đường lạc lối. Đôi khi người xem sẽ hơi “đau đầu” vì 45 phút chỉ thấy vợ chì chiết chồng, nhưng đó là thực tế. Thực tế luôn khắc nghiệt, đòi hỏi con người phải biết khôn ngoan lèo lái để tới được chân trời hạnh phúc. Đây là một bộ phim gia đình đáng xem, đáng nghiền ngẫm cho những người đã, đang và sẽ bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.
Theo Maskonline
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]