- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Lạc vào thế giới của “những người cô độc” bạn sẽ quên mất là mình đang xem một tác phẩm về người đồng tính. Chỉ còn tình yêu, những vật lộn để sống thật với bản ngã của mình, và sự chống cự gần như tuyệt vọng “thế giới của những con người khác ngoài kia”. Câu chuyện của những người trong phim cũng giống như câu chuyện của một bà mẹ đơn thân, một nghệ sĩ thể nghiệm, một người trẻ một mình một lối, một tình cảm “không thông thường” kiểu môn đăng hộ đối… Không còn sự khác biệt, chỉ là cảm giác xúc động được gợi ra từ vô vàn những chi tiết nhỏ, rất đỗi bình thường.
Phim về LGBT được Oscar
Tất cả những phim được giới thiệu trong tháng chuyên đề LGBT đều nằm trong danh sách các đề cử uy tín và có thứ hạng cao trong các Liên hoan phim quốc tế. Như Dallas Buyers Club (sản xuất năm 2013), của đạo diễn Jean-Marc Vallée, đã nhận được 6 đề cử Oscar 2014 và đem về hai giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc cho Matthew Conaughey và Nam diễn viên phụ xuất sắc cho Jared Leto. Hay như phim Philadelphia (sản xuất năm 1993) của đạo diễn Jonathan Demme đã đem về cho Tom Hanks giải Oscar Diễn viên nam chính xuất sắc và Nhạc phim hay nhất cũng như Kịch bản phim hay nhất.
Mignight Cowboy cũng góp mặt trong tháng phim LGBT. Cho đến nay đây vẫn là bộ phim xếp hạng X duy nhất thắng giải Oscar Phim xuất sắc nhất. Kết thúc tháng phim đặc biệt là Happy Together - bộ phim về tình yêu đồng giới nổi tiếng nhất đã từng đem về giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Vương Gia Vệ tại LHP Cannes 1997.
Đại diện cho điện ảnh Việt Nam về đề tài LGBT được chọn chiếu là Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (sản xuất năm 2009).
Nói chung, những phim LGBT “được giải quốc tế” đều xây dựng các nhân vật “đồng tính, song tính và chuyển giới” hết sức bình thường. Bình thường đến mức khiến người xem quên mất những ranh giới và “đặc điểm nhận dạng” kiểu như õng ẹo, có phần bệnh hoạn mà lâu nay phim ảnh Việt hiện đại cố tình dựng nên.
Cũng không nhân vật nào bị đẩy vào thế phải làm anh hùng cứu thế giới LGBT, những nhà đấu tranh cho bình đẳng giới hay một vai gì to tát tương tự (may thế)! Tất cả đều là những người giống như mọi người, phải đối mặt với cô đơn và hàng trăm vấn đề vụn vặt của đời sống, chủ yếu là tiền bạc và mưu sinh. Tình yêu không phải là câu chuyện duy nhất của họ, nhưng nếu có, thì đều tuyệt đẹp!
Yêu là yêu
Ngay cả một đại diện cowboy - Joe Buck (trong phim Midnight Cowboy) cũng không thực sự là một gã cao bồi. Anh ta làm nghề rửa bát thuê, rồi làm trai bao. Sống dưới đáy xã hội, cái phần lương thiện, sáng sủa của Joe bộc lộ ở những hành động galant với phụ nữ, và ở sự không nỡ dồn kẻ khốn khó vào bước đường cùng, kể cả khi bị lừa. Phần tình cảm của Joe Buck với cậu bạn trai ốm yếu Ratso có tình bạn sâu nặng và tình yêu chỉ chiếm một dung lượng nhỏ trong phim.
Cảnh phim Happy-Together.
Chuyện tình trong Happy Together còn “vi diệu” hơn. Diễn viên quá đẹp, câu chuyện quá đẹp, cảnh quay quá đẹp, đến mức nếu bạn có trót nghi ngờ độ chân thực hay cảm động của tình yêu đồng tính, hẳn bạn sẽ có cảm giác áy náy: hay là mình sai rồi?
Nhiều người xem xong tháng phim này, tự bảo nhau: hóa ra có những tác phẩm tuyệt hay về LGBT mà lâu nay mình toàn bị tiếp xúc với những thứ lởm khởm.
Những người làm truyền thông kêu gọi bình đẳng cho LGBT, có lẽ không cần phải quá chú trọng đến thái độ “của những người khác” với người đồng tính. Chỉ cần nói về tình yêu của họ là đủ rồi!
Những câu chuyện rất đơn giản, chỉ như một lát cắt về cuộc sống của những người mà cho đến thời điểm hiện tại vẫn bị cho là “khác người, bệnh hoạn”. Những yêu thương, giận hờn, che giấu, cố gắng hòa nhập được kể giản dị, nhẹ nhõm nhưng đầy bất ngờ. Nó hé lộ những bí mật mà ta - những người ngoài cuộc luôn “tưởng” thế này thế khác.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]