- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Okja, bộ phim đầu tiên được tham gia tranh giải tại LHP Cannes của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho, là một sự kết hợp vụng về giữa thể loại phim quái vật, hài – hành động và cổ tích hiện đại với những đoạn thoại "đơ", thiếu nhấn nhá và những nhân vật được khắc họa sơ sài. Tuy nhiên nhớ lại, những hạt sạn như vậy cũng đâu thể ngăn các tác phẩm Sci-Fi trước đây của ông như The Host hay Snowpiercer nhận được những lời tán dương khen ngợi hay một kết quả ấn tượng tại phòng vé. Với Okja, có lẽ điều tương tự cũng đang và sẽ xảy ra.
Okja là dự án hợp tác quốc tế lớn nhất từ trước tới nay của Bong Joon Ho. Được ghi hình bằng hai ngôn ngữ và tại 3 quốc gia (Hàn Quốc, Mỹ và Canada), bộ phim do Plan B của Brad Pitt sản xuất nhận 50 triệu USD đầu tư từ dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix. Kĩ xảo trong Okja do chủ nhân giải Oscar Erik-Jan De Boer đảm nhận, trong khi những thước phim mượt mà, tráng lệ mang phong cách của hãng Panavision được thực hiện bởi Darius Khondji, nhà quay phim người Pháp - Iran từng nhiều lần hợp tác với các đạo diễn tên tuổi David Fincher, Michael Haneke và Woody Allen. Sẽ là một sự lãng phí khi phim chỉ được mang lên màn ảnh nhỏ của Netflix vào ngày 28/6 tới đây.
Tân binh sở hữu gương mặt tròn xinh xắn Ahn Seo Hyun thủ vai Mija, một cô bé 14 tuổi mồ côi cha mẹ, sống với ông trong vùng quê rừng núi ở Hàn Quốc. Người bạn duy nhất của cô bé là Okja, một con vật tròn ủng nặng tới 6 tấn, là kết quả của quá trình biến đổi gen. Theo chia sẻ của đạo diễn Bong Joon Ho, Okja mang dáng dấp lai giữa lợn và hà mã.
Cuộc sống yên bình của Mija bên người bạn khổng lồ không còn nữa, sau khi Okja bất ngờ bị lôi tới New York bởi người của Lucy Mirando (Tilda Swinton), một nữ giám đốc có tham vọng xóa bỏ những nghi ngờ về thành tích hoạt động mờ ám của công ty cô ta bằng trò quảng cáo đạo đức của các nhà tư bản. Tuy nhiên, chắc chắn mục đích của Mirando không phải chỉ dừng lại ở việc hướng tới hình ảnh một công ty "thân thiện với môi trường" hay "nuôi dưỡng thế giới". Kế hoạch thực sự mà cô ta dành cho Okja nham hiểm hơn như vậy rất nhiều.
Là bộ phim thứ hai hợp tác cùng Bong Joon Ho, Tilda Swinton đã hoàn thành tốt vai diễn một người phụ nữ với những lấp lánh, bóng bẩy bên ngoài nhưng bên trong lại đang sôi sục vì chứng rối loạn thần kinh chức năng. Chất giọng Anh Mỹ của nhân vật Lucy Mirando là một phép châm biếm của phim, song may mắn là lần này nữ diễn viên người London đã biết tiết chế đi nhiều so với nhân vật lố bịch quá đà Nanny McPhee của cô trong Snowpiercer. Trong khi đó, dù chỉ đảm nhận vai trò phụ, Giancarlo Esposito và Shirley Henderson cũng là hai ngôi sao mang tới chút sắc thái Shakespeare cho tác phẩm khi vào vai những tên cận thần trong vương quốc của bà hoàng Mirando.
Đáng tiếc, ngôi sao Hollywood Jake Gyllenhaal lại lựa chọn phần việc gây cười của Okja khi trở thành Giáo sư Johnny Wilcox, người từng là một nhà động vật học được biết đến trên truyền hình trước khi danh tiếng sụt giảm đột ngột vì kí kết hợp tác và trở thành cộng sự của Mirando. Tài năng của Gyllenhaal đã bị lãng phí ở đây bởi rõ ràng, làm một tên hề lập dị không phải là sở trường của tài tử này.
Cảm thấy bất công với những gì đang diễn ra, Mija quyết không để người bạn của mình biến mất mãi mãi. Tham gia vào kế hoạch giải cứu đưa Okja về nhà, cô bé bắt tay với một nhóm những nhà hoạt động phúc lợi vì động vật do Jay (Paul Dano) và K (Steven Yeun) đứng đầu. Cảnh chiếc xe tải có kích thước siêu khủng nghiền nát một trung tâm thương mại dưới mặt đất để mang theo Okja cũng chính là một trong những cảnh hành động đáng chú ý nhất của tác phẩm.
Khối cơ thể núc ních thịt là đặc điểm dễ nhận thấy nhất của Okja. Kết hợp giữa kĩ thuật múa rối, thủy lực và công nghệ đồ họa, đạo diễn Bong Joon Ho đã thành công tạo ra một con quái vật bắt mắt nhờ có sự giúp đỡ của Hee Chul Jang, người phụ trách tạo hình quái vật trong The Host, và De Boer, người từng chiến thắng giải Oscar cho tạo hình con hổ trong tác phẩm Life of Pi của đạo diễn Lý An. Những phân cảnh Okja và Mija nằm ngủ cạnh nhau hay chiến đấu để bảo vệ nhau không rơi xuống vách đá chính là kết quả của màn kết hợp đỉnh cao giữa công nghệ đồ họa và live-action.
Mang những đặc trưng trong phong cách làm phim của Bong Joon Ho, Okja vừa là một tác phẩm hài – hành động có tiết tấu nhanh, vừa không khác gì một câu chuyện cổ tích hiện đại nhằm phê phán đạo đức kinh doanh song vẫn còn những chỗ vụng về. Một chú quái vật bị giam cầm là phần thưởng cho những kẻ tư lợi cá nhân mà không ngại tranh đấu. Nói về khía cạnh đạo đức được đề cập trong Okja, việc con người bóc lột động vật để trục lợi, để nâng cao hình ảnh công ty hay để vì mục đích chính trị đều đáng bị nghi ngờ. Thế nhưng, việc giết động vật để lấy thịt thì lại có vẻ vẫn ổn. Trong phim, chỉ có tình yêu trong sáng mà Mija dành cho Okja được coi là thuần khiết và chân thành. Điều đó khiến cho cuộc hội ngộ giữa hai nhân vật trong lò sát sinh đẫm máu trở nên tăm tối đến rợn người.
Do kịch bản được Bong Joon Ho chắp bút và sau đó được chuyển sang tiếng Anh bởi nhà văn – nhà viết kịch người Anh Jon Ronson (Frank, The Men Who Stare at Goats), Okja có khá nhiều câu thoại không thể diễn đạt được hết ý niệm của người đạo diễn tạo ra nó. Bên cạnh đó, trong khi các cuộc đối thoại và bối cảnh phim đều rất người lớn, các yếu tố hài hước hay những phân đoạn làm ấm lòng khán giả lại có vẻ còn trẻ con.
Chỉ giống như một loài động vật lai tạo quá khổ, Okja rõ ràng không phải là một con quái vật điện ảnh xinh đẹp. Thứ quan trọng hơn mà bạn thấy được ở đây chính là một tác phẩm nguyên gốc đầy ấn tượng về mặt kĩ thuật, một lời tuyên bố mạnh mẽ và tham vọng đến từ nền điện ảnh đang có những bước phát triển vượt bậc ở châu Á.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]