Hiện lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt ngưỡng 2,5 triệu lượt người, trong đó khách nội địa đạt gần 14 triệu lượt người; mức tăng trưởng tăng dần theo hàng năm.
Với tiềm năng sẵn có, để Hà Nội thực sự là điểm đến thu hút khách du lịch, những người làm du lịch Thủ đô đang xây dựng một hình ảnh thành phố du lịch đẹp hơn, thân thiện và an toàn hơn trong mắt bạn bè bốn phương.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Với hơn 5.000 di tích, trong đó hơn 2.000 di tích được xếp hạng cùng các loại hình văn hóa phi vật thể, các khu du lịch sinh thái, Hà Nội được coi là nơi có tiềm năng du lịch dồi dào.
Hình ảnh Hà Nội gắn liền với nhiều địa danh nổi tiếng như Khu di tích và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ, chùa Hương, làng cổ Đường Lâm, các khu du lịch sinh thái Ba Vì, làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc… Văn hóa ẩm thực Hà Nội thu hút du khách với nhiều sản phẩm: phở, nem, bún chả, bún ốc, bún thang… Vì vậy, ngày càng nhiều du khách lựa chọn Hà Nội là điểm đến tham quan, khám phá trong những chuyến du lịch của mình.
Các nhà quản lý du lịch Hà Nội cho rằng du lịch luôn phải đổi mới, hoàn thiện mới tạo sức hấp dẫn du khách.
Ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết thành phố đang quy hoạch phát triển Khu du lịch Ba Vì-Suối Hai thành khu du lịch mang tầm quốc gia nhằm khai thác tiềm năng sinh thái khu vực này, tạo ra một sản phẩm mới mang tính đặc trưng khi Hà Nội đã được mở rộng.
Tại đây, lợi thế thắng cảnh tự nhiên, khí hậu trong lành, địa hình rộng kết hợp với các giá trị văn hóa khu vực lân cận phù hợp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao…
Các giá trị đặc trưng của lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại đang được thành phố phát triển theo hướng du lịch bền vững.
Lễ hội Gióng sẽ được kết nối với các điểm du lịch di tích lịch sử tạo ra các tour du lịch lễ hội, tâm linh, sinh thái. Các xã miền núi Ba Vì với đặc trưng về tập quán sinh hoạt, trồng trọt, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao, Mường cũng đang được tính đến để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, ngành du lịch Hà Nội vừa triển khai khai thác điểm du lịch làng cổ Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) nhằm giới thiệu đến du khách một không gian làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ có truyền thống khoa bảng từ nhiều đời nay. Ngành cũng đang xây dựng sản phẩm du lịch khám phá các loại hình văn hóa nghệ thuật của Hà Nội như ca trù, chèo, cải lương, xiếc để các buổi tối khách lưu trú tại Hà Nội thêm phần thú vị.
Trong tương lai không xa, du khách đến Hà Nội sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới để khám phá, trải nghiệm, hiểu thêm về mảnh đất giàu giá trị lịch sử, nhân văn, sinh thái này.
Bà Từ Thị Mỹ Hạnh, Phó Trưởng Ban khách quốc tế và nội địa - Câu lạc bộ Lữ hành Hanoi UNESCO Hà Nội, Phó Giám đốc Công ty Asialand Travel khẳng định Hà Nội là điểm đến không thể thiếu trong chương trình du lịch của hầu hết khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Ngoài những điểm đến truyền thống, thành phố liên tục đưa thêm sản phẩm mới vào khai thác, vì vậy du khách thường có nhận xét, tham quan ở Hà Nội cảm nhận được sự thanh bình, giản dị và họ thích đến Hà Nội.
Tạo môi trường du lịch thân thiện, an toàn
Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 15 năm được UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình. Nhiều năm qua, Thủ đô luôn là một điểm đến an toàn, thân thiện. Khi du lịch Hà Nội đang tích cực quảng bá hình ảnh đến với bạn bè trong và ngoài nước, việc tạo dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn càng được quan tâm hàng đầu.
Những năm gần đây, thành phố dồn lực dẹp bỏ các hiện tượng không đẹp như chèo kéo khách du lịch, trộm đồ, lừa khách du lịch khi đi taxi… tạo môi trường du lịch lành mạnh, thu hút khách.
Ông Vũ Chính Đông, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho biết môi trường du lịch quyết định lớn tới sự phát triển của ngành du lịch. Nếu điểm đến có tiềm năng du lịch tốt, môi trường tốt cộng với các dịch vụ hợp lý, chắc chắn khách sẽ đến nhiều hơn. Ngược lại, một số nước trong khu vực và thế giới có tiềm năng du lịch lớn nhưng đang bất ổn thì ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng. Với Hà Nội, môi trường du lịch những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể.
Các lực lượng chức năng chủ động kiểm tra, xử lý nạn xích lô dù, buộc phải đón trả khách đúng quy định, đi theo đúng lộ trình đã định. Đến nay, hiện tượng xích lô dàn hàng dài đi trong phố cổ vào giờ cao điểm, cản trở giao thông hầu như không còn, thay vào đó là loại hình xe điện du lịch sạch đẹp, văn minh, phát huy tác dụng tốt ở khu vực phố cổ Hà Nội.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý hiện tượng taxi dù chở khách du lịch, chèn ép khách, siết chặt quản lý chất lượng dịch vụ các đơn vị kinh doanh du lịch… Các đối tượng lừa đảo, trộm cắp, chèo kéo khách mua hàng cũng bị lực lượng công an trên địa bàn mạnh tay xử lý. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho lái xe du lịch, xe xích lô để chấp hành tốt quy định giao thông, có thái độ ứng xử văn minh với du khách.
Năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã đưa bộ phận hỗ trợ khách du lịch vào hoạt động, thiết lập đường dây nóng giải quyết các vấn đề liên quan đến khách du lịch. Bộ phận này ra đời nhận đã được sự ủng hộ của người dân cũng như khách du lịch, giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi của du khách, giải đáp thông tin cho khách khi đi du lịch Hà Nội.
Năm 2014, Hà Nội kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng, du lịch Thủ đô phấn đấu đón 3 triệu lượt khách quốc tế và 14 triệu lượt khách nội địa. Ngành du lịch nỗ lực khai thác tối ưu các tiềm năng, thế mạnh để Hà Nội xứng đáng là điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện không chỉ trong nước mà cả trên thế giới./.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]