Nhiều người dùng smartphone có lẽ đã biết Truecaller, ứng dụng cho phép hiển thị tên người gọi đến để tránh cuộc gọi làm phiền. Tuy nhiên ở Ấn Độ, ứng dụng này mới có thêm một tính năng rất xa lạ: cho vay tiền.
Lấy cảm hứng từ Trung Quốc
Cho vay tiền là tính năng thứ 4 mà Truecaller bổ sung chỉ trong 2 năm qua. Trước đó, họ thêm vào công cụ nhắn tin, ghi âm cuộc gọi và thanh toán trên di động. Có những tính năng trong số này chỉ dành cho người dùng Ấn Độ. Dễ hiểu vì sao Truecaller lại ưu tiên thị trường này đến vậy: có đến 100/140 triệu người dùng của Truecaller sống ở Ấn Độ.
Câu chuyện của Truecaller có nhiều nét tương đồng với Tencent. Ứng dụng WeChat của công ty này ban đầu chỉ là một dịch vụ nhắn tin, nhưng qua thời gian dần phát triển và bổ sung hàng loạt dịch vụ mới: chơi game, thanh toán, chuyển tiền và thậm chí cả xuất bản trực tuyến.
Quy mô của WeChat ngày nay được đánh giá là tương đương với một hệ điều hành. Họ thậm chí có “kho ứng dụng” riêng của mình. Thậm chí đến Apple cũng phải tìm cách hợp tác với WeChat để khai thác thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên WeChat chỉ mạnh ở Trung Quốc và chưa vươn ra được những thị trường lớn khác như Ấn Độ. Điều này tạo cơ hội cho những tay chơi khác. Grab và Go-Jek đều đang hướng tới mục tiêu trở thành siêu ứng dụng tại vùng Đông Nam Á. Ban đầu chỉ là những dịch vụ gọi xe, 2 ứng dụng này giờ bổ sung rất nhiều tính năng như giao đồ ăn, thanh toán, giải trí, dịch vụ tài chính…
Tại Ấn Độ, sự phát triển mạnh mẽ của smartphone giá rẻ và dữ liệu di động dễ tiếp cận giúp cho hàng chục triệu người Ấn Độ được nối mạng trong vài năm qua, chủ yếu sử dụng các nền tảng di động. Số người dùng Internet tại Ấn Độ giờ đã vượt 500 triệu. Thậm chí một số đơn vị dự đoán con số này sẽ đạt trên 600 triệu người vào cuối năm nay.
Số lượng người dùng khổng lồ là điều kiện lý tưởng để các nhà phát triển Ấn Độ cũng như nước ngoài học hỏi cách làm của WeChat, và làm nên những siêu ứng dụng tại thị trường này.
Những cái tên nổi bật nhất
Siêu ứng dụng nổi tiếng nhất Ấn Độ là một cái tên nội địa: Paytm. Công ty này có góp vốn từ Alibaba và hiện được định giá tới 18 tỷ USD.
Những chức năng nổi bật của Paytm có thể kể đến như đặt vé xem phim, vé tàu, máy bay, thương mại điện tử và game. Đầu tháng này, đại diện công ty cho biết họ có 30 triệu người dùng chơi game.
Ông Vijay Sharma, CEO của Paytm cho rằng thanh toán là chức năng quan trọng nhất của các siêu ứng dụng. Ảnh: TechCrunch.
Nhà sáng lập và CEO Vijay Shekhar Sharma của Paytm cho rằng việc mở rộng danh mục chức năng là một điều dĩ nhiên. Jayanth Kolla, nhà sáng lập công ty tư vấn Convergence Catalyst cũng có chung nhận định.
“Việc mở rộng này cũng giống như khi những hãng truyền hình Fox và Star xây dựng hàng loạt kênh với đủ mọi nội dung để lôi kéo người dùng. Mục đích của những siêu ứng dụng là luôn chiếm giữ sự chú ý của người dùng và độc chiếm thời gian của họ dành cho thiết bị”, ông Kolla nói với TechCrunch.
“Thanh toán là mảng quan trọng nhất. Khi có chức năng thanh toán, bạn có thể giới thiệu một loạt dịch vụ như nội dung, giải trí, thương mại hay dịch vụ tài chính. Đó là mô hình kinh doanh, bởi riêng chức năng thanh toán không thể kiếm ra tiền”, ông Sharma chia sẻ.
Một ứng dụng khác cũng thu hút tới 150 triệu người dùng là PhonePe, ứng dụng thanh toán của Flipkart. Các dịch vụ của PhonePe bao gồm dịch vụ gọi xe Ola, đặt khách sạn Oyo và đặt chuyến đi MakeMyTrip.
Mặc dù đã chính thức “chịu thua” tại Trugn Quốc, Amazon vẫn đang nỗ lực giành thị trường tại Ấn Độ. Họ đưa ra giải pháp thanh toán một loạt dịch vụ qua Amazon Pay. Việc mua lại startup tích hợp dịch vụ Tapzo năm 2018 giúp Amazon đẩy Pay vào một loạt ứng dụng như Uber, Ola, Swiggy và Zomato.
Microsoft cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Ứng dụng SMS Organizer của họ ban đầu chỉ có chức năng chặn tin nhắn spam, giờ đã được bổ sung tính năng kiểm tra lịch tàu, chuyển đổi giọng nói thành văn bản và mua hàng giảm giá.
Các ứng dụng gọi xe như Ola cũng có thể học hỏi Grab, Go-Jek và tiến vào lĩnh vực thanh toán. Ảnh: TechCrunch.
WhatsApp của Facebook cũng đang thử nghiệm tính năng thanh toán tại Ấn Độ, nhưng đến nay vẫn chưa được phép triển khai trên cả nước này. Trong khi đó, Facebook cũng đang muốn biến Messenger thành một phiên bản khác của WeChat, nhưng Messenger không thực sự phổ biến tại Ấn Độ.
Dịch vụ gọi xe Ola, giống với Grab và Go-Jek, có kế hoạch bổ sung tính năng cho vay trong năm nay.
Ngoài những cái tên ít nhiều dính dáng đến dịch vụ tài chính, không thể bỏ qua những ứng dụng quen thuộc khác đang ngày càng nhiều tính năng. Phần mềm xem phim MX Player, với 175 triệu người dùng tại Ấn Độ đã bổ sung dịch vụ chiếu phim, nghe nhạc và sắp tới có cả game.
Một cái tên khác có thể sớm gia nhập thị trường này là Reliance Jio. Đây là công ty viễn thông thuộc sở hữu của người giàu nhất Ấn Độ, ông Mukesh Ambani. Khi ra đời, siêu ứng dụng của Reliance Jio có thể sẽ có tới 100 ứng dụng nhỏ.
Theo nhận định của TechCrunch, cuộc đua siêu ứng dụng của Ấn Độ mới chỉ bắt đầu, nhưng trào lưu này chắc chắn sẽ rất đáng quan tâm trong thời gian tới.