- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Những ngày đầu năm 2000, khi thế giới đang hân hoan mừng thiên niên kỷ mới thì giới thời trang bắt đầu chộn rộn đón chờ tuần lễ thời trang Haute Couture tại Paris.
Nhưng tại show diễn của nhà mốt Dior, dưới bàn tay của John Galliano, các biên tập viên và khách hàng tiềm năng đã như lãnh trọn một cú tát vào mặt khi những mẫu trang phục chỉ dành riêng cho số rất ít những phụ nữ thượng lưu, với giá tiền gồm sáu chữ số tính theo đồng euro mà lại được lấy cảm hứng từ những người vô gia cư không xu dính túi.
Những bộ váy áo tả tơi, thoạt trông rất bẩn thỉu nhưng lại có giá tiền cao ngang một căn hộ quả thật là điều nực cười khó hiểu!
Bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 2000 của Christian Dior.
Nhưng bức màn bí ẩn dần được vén lên khi ta theo chân những nghệ nhân bước vào Dior Atelier để xem quy trình tạo ra bộ sưu tập “tai tiếng” này. Hàng trăm mét lụa, voan thượng hạng phải được xé tỉ mẩn bằng tay thành từng xớ vải để có hiệu ứng đẹp nhất.
Những đường may chắp vá cùng những lớp lót bị xổ tung thật ra là thành quả từ rất nhiều giờ thêu tay kỳ công của những nghệ nhân bậc thầy.
Vết phai màu và loang lổ thoạt trông như bị vấy bẩn bởi bùn đất và thời gian hay họa tiết như giấy báo cũ chính là những nét vẽ thủ công bằng màu nước hay in kỹ thuật số vô cùng tinh xảo.
Chỉ tính riêng chất liệu vải và thời gian lao động của các nghệ nhân (mà có thể phải lên đến hàng nghìn giờ cho một tác phẩm Haute Couture) đã có giá trị quy đổi thành tiền rất lớn.
Đấy là chưa kể đến các giá trị vô hình của sự sáng tạo, đột phá và tính độc bản của những thiết kế này.
Như một nghịch lý đầy thách thức, bộ sưu tập đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi nhất tại mọi ngõ ngách của Paris hoa lệ suốt một thời gian dài.
Bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 2000 của Christian Dior
Nhưng điều John Galliano làm không hề mới. Những gì xuất hiện trên sàn diễn Dior năm ấy cũng đã xuất hiện trên sàn diễn tại Paris gần 20 năm trước và tạo nên một hiệu ứng tương tự.
Vải sờn mép, váy rách, áo khoác cũ kỹ… luôn là một phần không thể tách rời của trào lưu phá hủy (deconstruction) và tái chế (recycle) từ những nhà thiết kế avant-garde như Rei Kawakubo của thương hiệu Comme des Garçons, Yohji Yamamoto của thương hiệu cùng tên, hay Martin Margiela của thương hiệu Maison Martin Margiela (nay là Maison Margiela, và trùng hợp thay, hiện tại thương hiệu do John Galliano làm giám đốc sáng tạo).
Tuy kín tiếng, nhưng những thương hiệu này luôn sở hữu một lượng người hâm mộ trung thành đông đảo.
Bộ sưu tập Xuân Hè 2002 của Hussein Chalayan.
Với Avant-garde, những nhà thiết kế đã đảo lộn mọi giá trị của thời trang và tạo nên một tuyên ngôn phản kháng khi họ đi ngược lại hoàn toàn những gì đang diễn ra với thời trang khi ấy: hào nhoáng, gợi cảm và đầy nhục dục.
Năm 1993, Hussein Chalayan giới thiệu bộ sưu tập tốt nghiệp của mình từ học viện thời trang danh tiếng Central Saint Martins với những thiết kế bị ôxy hóa do bị ông chôn trong khu vườn của một người bạn và để phân hủy trong một thời gian dài.
Sánh cùng những phục trang sạch sẽ và lề lối của Calvin Klein hay Helmut Lang, thiết kế của Hussein Chalayan nổi bật bởi vẻ đẹp kỳ lạ và phong trần của mình.
Toàn bộ bộ sưu tập đã được nhà bán lẻ thời trang xa xỉ hàng đầu Browns mua ngay lập tức.
Bộ sưu tập Thu Đông 2014 của Yohji Yamamoto.
Giá trị của thời trang avant-garde còn nằm ở việc luôn xem trọng mối liên kết giữa cơ thể người mặc và quần áo.
Điển hình có thể kể đến bộ sưu tập Comme des Garçons Xuân Hè 1997 mang tên “Váy biến thành cơ thể, cơ thể biến thành váy," với những phần đệm bằng bông lồi lõm khác nhau đẩy những đường nét của cơ thể đến giới hạn.
Trang phục hòa làm một với người mặc, nâng tầm cái tôi của họ chứ không nhấn chìm chúng.
Bộ sưu tập Xuân Hè 1997 của Comme des Garcons.
Sức lao động của những nghệ nhân cũng góp một phần rất lớn trong mức giá thành cao của những trang phục phong cách “cái bang” này.
Một ví dụ rõ ràng là dòng sản phẩm Artisanal Collections (tương đương với Haute Couture) của Maison Margiela, với các thiết kế mới được tạo thành từ những bộ trang phục có chất liệu rất đỗi bình dị như nhựa, vải bố, nút bần...
Khái niệm về sự xa xỉ của Haute Couture được định nghĩa lại khi giá thành cao không hề được quyết định bởi những chất liệu đắt tiền mà gần như hoàn toàn bởi lượng thời gian để tạo ra một trang phục.
Thiết kế của Margiela còn là một sự tự phản chiếu của thời trang, khẳng định mạnh mẽ niềm tin về cái tôi không bao giờ có thể bị sao chép hoàn toàn, mà mỗi lần sao chép - tái tạo sẽ luôn tạo nên những điểm khác biệt riêng.
Dường như những cuộc khủng hoảng kinh tế, thắt eo buộc bụng đầu thập niên 1980 đã khiến người ta dễ cảm cái đẹp “nghèo đói” hơn; bởi phong cách avant-garde bắt đầu có được tiếng nói riêng trong chính giai đoạn này.
Chúng dung hòa được cái tôi, cái đẹp và cái tình - điều vốn đang rất khan hiếm trong thị trường thời trang xa xỉ quá bão hòa khi ấy.
Chứa đựng giá trị trường tồn cùng thời gian, với thiết kế dung dị nhưng sắc sảo, đối tượng khách hàng chính của thời trang Avant-garde là giới trí thức và văn nghệ sỹ, những người có điều kiện tài chính và sẵn sàng chi một khoản không nhỏ để khẳng định chủ nghĩa cá nhân của mình.
Và có cầu ắt sẽ có cung. Không lạ gì khi ngoài việc tự xác lập vị trí riêng vững vàng cho mình, trào lưu avant-garde ảnh hưởng đến cả những biểu tượng xa xỉ truyền thống như Dior, Prada và Saint Laurent, hòa trộn với nét riêng của những thương hiệu này để tạo nên một sức hấp dẫn độc đáo.
Trả lời câu hỏi của đầu đề: bất cứ món hàng nào cũng đáng giá nếu bạn hiểu được và quý trọng nó.
Để say mê vẻ đẹp độc đáo của avant-garde vốn không phải việc dễ dàng, nên hãy tin chắc rằng một khi bạn trân trọng chúng đủ để bỏ tiền ra mua chúng, bạn sẽ nhận lại được còn nhiều hơn những gì đã bỏ ra./.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]