- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Năm 1926, Coco Chanel mở ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực may mặc. Trang phục giờ đây không chỉ giúp tôn lên đường cong của phụ nữ, mà còn phải mang đến cho họ vẻ ngoài sang trọng nhưng không cầu kỳ. "Little Black Dress" (váy đen trơn) ra đời và được phái đẹp đón nhận như một món đồ không thể thiếu. Cho đến nay, thiết kế của Chanel vẫn được xem là chiếc váy không bao giờ lỗi mốt.
Váy đen trơn vẫn được yêu thích đến năm 1961. Người có công mang một thiết kế cao cấp đến gần mọi cô gái trẻ là Audrey Hepburn. Vào vai chính trong bộ phim Breakfast at Tiffany's, cô khiến mọi khán giả đều ngẩn ngơ vì vẻ đẹp kiêu kỳ trong chiếc váy hiệu Givenchy, găng tay, vòng ngọc trai và tóc búi cao. Những gì cô khoác lên người đều trở thành mốt, và cái tên Audrey Hepburn được nhắc tới như một biểu tượng bất hủ của thời trang.
Năm 1962, Marilyn Monroe đến dự sinh nhật Tổng thống Mỹ với chiếc váy ôm sát hở lưng quyến rũ. Kim sa được đưa vào sử dụng trên quần áo và giúp "biểu tượng của vẻ đẹp cổ điển" chinh phục bao ánh mắt nhìn.
Năm 1965, Yves Saint Laurent mở ra một bước tiến mới của phong cách cổ điển. Thay vì những kiểu quần áo thanh lịch, nền nã, những cô gái trẻ của thời kỳ này đều say đắm chiếc váy dáng suông trong bộ sưu tập xuân hè của ông. Những mảng màu sắc được lấy cảm hứng từ tranh của Mondrian mang đến vẻ trẻ trung, tươi mới. Người đưa chiếc váy này trở thành biểu tượng là siêu mẫu Twiggy.
Năm 1967, Paco Robanne là người đầu tiên sử dụng kim loại để thiết kế quần áo, giúp mỗi bước đi của các cô gái trở nên sinh động hơn hẳn nhờ những chuyển động vui mắt của các mảnh kim loại đan xen tinh tế.
Thiết kế váy quấn năm 1974 của Diane von Furstenberg đã giúp bà trở thành một huyền thoại của thời trang cổ điển. Chiếc váy có kiểu dáng thanh lịch với chất liệu vải mềm mại, sinh động. Trong vòng hai năm, Furstenberg đã bán được hơn một triệu chiếc và được tôn vinh là "người phụ nữ làm thương mại giỏi nhất, chỉ sau Coco Chanel".
Năm 1994, Elizabeth Hurley tay trong tay với bạn trai Hugh Grant sải bước trên thảm đỏ một sự kiện trong chiếc váy có thiết kế táo bạo. Những đường cắt xẻ gợi cảm trên thân váy được cố định bằng kim băng mạ vàng loại lớn. Chiếc váy này của Versace tiếp tục khẳng định sự đổi mới và sáng tạo không ngừng của thời trang.
Trên thảm đỏ Oscar năm 1997, Nicole Kidman tỏa sáng trong chiếc đầm vải bóng màu xanh. Những chi tiết thêu hoa vốn chỉ được dùng trong phục trang hàng ngày giờ đây được mang vào thời trang cao cấp và trở thành điểm nhấn đắt giá. Thiết kế này đã giúp John Galliano và Christian Dior trở thành những "ông lớn" của làng mốt.
Công nghệ hiện đại được áp dụng vào thời trang nhờ công của Alexander McQueen. Năm 1999, ông khiến giới mộ điệu phải sửng sốt khi cho người mẫu trình diễn một chiếc váy trắng toát trong BST Xuân hè. Trong khi người mẫu đứng trên sàn diễn tự quay tròn, hai con robot được sử dụng để phun sơn lên chiếc váy, tạo nên những họa tiết độc đáo như một bức tranh nghệ thuật.
Năm 2007, tại Tuần lễ thời trang Paris, nhà thiết kế Hussein Chalayan tiếp tục đưa thời trang đến một bước tiến mới. Những chiếc váy không cần nhiều họa tiết hay kiểu dáng đặc biệt cũng trở nên ấn tượng nhờ những chiếc đèn led nhỏ đầy màu sắc gắn phía trong. Thiết kế này đã mở đầu cho trào lưu thời trang Futuristic (đến từ tương lai) sau này.
Theo Song Quỳnh - vnexpress.net
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]