Xuất khẩu gạo sang TQ. Ảnh: Thái Sinh
Theo Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu gạo qua biên giới phía Bắc và vận chuyển thóc gạo theo đường thủy từ miền Nam ra phía Bắc tăng mạnh. 7 tháng đầu năm 2014, lượng gạo vận chuyển từ cảng Mỹ Thới (An Giang), cảng Hoàng Diệu (Cần Thơ) ra phía Bắc khoảng 1,6 triệu tấn, lượng gạo luân chuyển qua cảng Hải Phòng cũng khoảng 1,6 triệu tấn.
Trong khi đó, tính đến ngày 15/7, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo xuất khẩu qua biên giới phía Bắc là chưa đến 0,6 triệu tấn. Như vậy, có khả năng một lượng gạo không nhỏ đã được xuất khẩu qua biên giới mà không được cơ quan chức năng thống kê đầy đủ.
Bên cạnh đó, vấn đề thị trường và hợp đồng tập trung, việc giao dịch, đàm phán ký kết hợp đồng tập trung thời gian qua đang cho thấy sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và các doanh nghiệp đầu mối chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt.
Doanh nghiệp đầu mối chưa chủ động bám sát, theo dõi nắm bắt tình hình thị trường, chế độ thông tin, báo cáo chưa thường xuyên, chưa kịp thời đã dẫn tới những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như công tác điều hành của Nhà nước, ảnh hưởng đến khả năng khai thác và duy trì thị trường.
Hiện nay doanh nghiệp đầu mối duy nhất tại một số thị trường tập trung trọng điểm truyền thống là Tổng công ty Lương thực miền Nam đã và đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp tới vai trò đầu mối cung cấp gạo theo hợp đồng Chính phủ tại các thị trường tập trung truyền thống thường có nhu cầu giao dịch nhập khẩu số lượng lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia.
Các thị trường này đã chuyển đổi phương thức và chiến lược nhập khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, tổ chức đấu thầu mở để thu hút sự tham gia của nhiều nhà cung cấp nhằm tạo sự cạnh tranh về giá.
Vì vậy, việc duy trì cơ chế giao cho một đầu mối là Tổng công ty Lương thực miền Nam vốn đang gặp khó khăn nêu trên tại các thị trường trọng điểm sẽ hạn chế khả năng tiếp cận, khai thác cơ hội thị trường và có thể mất thị trường.
Do đó, Việt Nam cũng cần thay đổi về cơ chế đầu mối giao dịch tại các thị trường này để ứng phó phù hợp với sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu của các nước đối tác.
Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, bổ sung Tổng công ty Lương thực miền Bắc cùng Tổng công ty Lương thực miền Nam làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung tại các thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]