- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
Lên sóng gần 2 tháng qua, Sở Kiều Truyện đang dần đi vào hồi kết. Đặc biệt ở chỗ, bộ phim ngày càng khiến người xem phân thành hai nhóm rõ rệt. Một bên vẫn mải mê theo dõi không bỏ sót tập nào, một bên thì không ngừng chỉ trích phim "đầu voi đuôi chuột" vì tình tiết rề rà, "ngược tâm". Dù thế nào đi chăng nữa, Sở Kiều Truyện vẫn được coi là thành công khi thu hút một lượng lớn người xem như vậy kể từ khi lên sóng cho đến nay.
Qua hơn 60 tập của tác phẩm này, khán giả cũng đúc kết được ít nhất 15 kinh nghiệm "đau đớn" dưới đây. Nếu trong tương lai, ai có ý định làm diễn viên hoặc dấn thân vào con đường trở thành biên kịch hay đạo diễn, nhất định phải né ngay những vấn đề này kẻo "nhận gạch" trong ấm ức!
1. "Đổ vỏ" không giúp bạn "cool" ngầu hơn mà chỉ bị người khác chê là nhạt nhoà
Trong Sở Kiều Truyện, nam chính Vũ Văn Nguyệt đã được tặng phong danh hiệu "thánh đổ vỏ của thành Trường An". Danh hiệu này xuất phát từ việc, công tử luôn làm việc tốt nhưng lại cứ bị hiểu lầm là kẻ xấu. Những tưởng hành động nhận trách nhiệm "đổ vỏ" sẽ giúp công tử "cool" ngầu hơn. Thế nhưng, chàng lại bị không ít fan của nhân vật Yên Tuân chê là nhạt nhòa vì… quá tốt bụng! Ấy vậy mới nói, các anh nam chính ngôn tình ơi! Đừng "đổ vỏ" nhiều như công tử vì thể nào cũng sẽ bị hạ giá xuống nam phụ bên lề đấy!
2. Xinh thì phải biết vận dụng nước mắt cá sấu, nam chính biết bạn giở trò nhưng vẫn sẽ xót xa cho bạn
Tuyệt chiêu nước mắt cá sấu dường như luôn hiệu quả với những nam chính "ngoài cứng trong mềm" như Vũ Văn Nguyệt. Biết thừa người ta nói dối mình, ấy vậy mà công tử vẫn chấp nhận thể hiện niềm tin cũng như tha thứ cho Tinh Nhi. Nàng rơi một giọt nước mắt "rởm", chàng đã xót xa như vậy rồi. Đến lúc khóc thật thì hẳn là xát muối trái tim! Có điều, đổi lại thì những nữ chính đã phũ với nam chính mà còn tung chiêu bài nước mắt cá sấu thì sẽ phải nhận cả núi phẫn uất từ các fan!
3. Muốn "ác" hoá? Nhất định phải kẻ mắt như Nguyên Thuần và Yên Tuân
Tuyệt chiêu đầu tiên để "ác" hóa là gì? Chẳng cần đến việc tẩy huyết thành Trường An, chẳng cần phải hạ lệnh giết người vô tội vạ mà cũng khỏi phải ăn cắp binh phù. Điều đầu tiên bạn cần làm đỏ là kẻ mắt! Mắt viền đen, lườm một cái đã khiến đối phương rụng rời! Phương pháp hiện đang được áp dụng trong hầu hết các bộ phim truyền hình Hoa Ngữ hiện nay! Xem Sở Kiều Truyện, muốn "hắc hóa" phải học ngay Nguyên Thuần và Yên Tuân!
4. Cầm đầu một đám con trai đánh nhau không có nghĩa bạn không thể "dính phốt" bánh bèo
Chẳng đâu xa, cứ nhìn gương Tú Lệ vương – Sở Kiều – thì biết. Cầm đầu đám Tú Lệ quân nhưng Sở Kiều vẫn được phong danh hiệu "đệ nhất bánh bèo xứ Yên Bắc" như bình thường. Ai bảo làm Tú Lệ vương thì không được yêu đương sến rện, tạo tam giác tình cảm ba người hay nhu nhược nào?
5. Ậm ờ thiện - ác không rõ ràng sẽ giúp bạn thu về cả rổ fan!
Tuyệt chiêu "ậm ờ" này phải nói là được thế tử Yên Bắc – Yên Tuân – sử dụng vô cùng thành thạo! Khi bạn còn quá hiền và lương thiện, người ta sẽ yêu mến bạn vì bạn là "mặt trời chói chang lại tốt tính". Khi bạn sắp ác, các fan sẽ gào thét lên rằng "đợi anh ấy ác cho mấy người sốc" hay "đọc nguyên tác chưa mà phán". Còn khi bạn chỉ hơi ác? Người hâm mộ sẽ hát bài ca "lên phim thế là ác lắm rồi. Còn muốn như truyện nữa à?". Thấy không? Dù bạn có ở bờ vực thiện – ác không rõ ràng như Yên Tuân thì cũng đừng lo. Vì thế nào cũng sẽ trở thành nhân vật được yêu thích nhất bộ phim!
6. Nam phụ nhưng được lòng khán giả thì một bước lên "nam thứ chính"
Theo như sắp xếp phiên vị của các diễn viên cùng giới thiệu nhân vật trong Sở Kiều Truyện từ trước khi lên sóng, khán giả luôn chắc mẩm rằng, Vũ Văn Nguyệt là nam chính. Đồng thời, nhân vật Yên Tuân là vai nam phụ. Thế nhưng, vì theo như nguyên tác gốc, nhân vật Yên Tuân xuất hiện phần lớn thời lượng. Đã vậy khi lên màn ảnh, thế tử vẫn được ưu ái lên màn ảnh nhiều hơn. Vậy mới có chuyện, fan của Lãnh công tử cùng thế tử Yên Bắc xảy ra tranh cãi về việc ai mới là nam chính. Không sao thế tử ơi! Vì khi anh có fan "cuồng", anh đã nghiễm nhiên lên hàng "nam thứ chính" rồi nhé!
7. Nam chính mà bị "dìm" không bằng nam phụ thì không đáng được nhận sự chú ý!
Chuyện Lãnh công tử thường xuyên bị "đá đểu" là chuyện quá bình thường. Cơ mà cũng thương cho Vũ Văn Nguyệt. Phải chi anh có hội đồng fan "ghê gớm" như Lập Hạ của Hạ Chí Chưa Tới thì đã được lên Top tìm kiếm Weibo với hashtag #nam_chính_chưa_tới rồi không! Vừa bị dìm thời lượng, lại vừa bị anti-fan kêu gào "Sao không cắt luôn Vũ Văn Nguyệt khỏi phim đi?". Công tử đúng là nam chính nhọ nhất năm 2017 trên màn ảnh Hoa Ngữ rồi đó.
8. Trợn mắt, lừ mắt không phải là cách duy nhất để thể hiện sự lạnh lùng, lì lợm
Phải công nhận rằng, diễn xuất của Triệu Lệ Dĩnh trong Sở Kiều Truyện có phần tiến bộ rõ rệt. Nhưng mà để thể hiện sự lạnh lùng, lì lợm từ đầu đến cuối phim bằng cách trợn mắt thì không ổn chút nào "chị đại" ơi! Thế nên mới có chuyện, nhiều khán giả than phiền Triệu Lệ Dĩnh đôi khi vẫn còn "đơ" lắm!
9. Là nam phản diện "quyền lực" đến mấy mà gặp vấn đề thời lượng thì cũng chết lãng xẹt mà thôi!
Trường hợp đầy "đau thương" số 9 này thuộc về Vũ Văn Hoài – nhân vật phản diện ban đầu vô cùng quyền lực. Nhắc đến tên anh, cả một bầu trời "gạch đá" ngay lập tức ào ạt đổ xuống. Những tưởng anh là "đại boss" hoành tráng thì có chết dưới tay nữ chính cũng phải hiên ngang hay được "slow-motion" tầm nửa tập. Ai dè, chỉ chưa đầy 5 phút, Vũ Văn Hoài đã ra đi một cách lãng xẹt. Hẳn Ngụy Thư Du cũng phải thở phào vì ít ra, hắn còn chết "kịch tính" hơn anh đó, Hoài huynh ơi!
10. Là nhân tố câu "view" nhưng phận nam phụ thì thời lượng lên hình cũng chỉ có thể "thưa thớt" mà nào dám than!
Xem Sở Kiều Truyện, con dân đọc qua nguyên tác đều mong chờ sự xuất hiện của "thái tử hồ ly" – Tiêu Sách. Trong truyện, chàng yêu Sở Kiều là thế, hy sinh vì nàng nhiều đến vậy mà lên phim cũng phải "nhịn đắng nuốt cay" cưỡi ngựa suốt 32 tập mới được xuất đầu lộ diện! Người ta lấy ảnh chàng, lấy tên chàng ra quảng bá câu "view" rồi lại để chàng "lướt" đi như một làn gió! Phận nam phụ, thời lượng chỉ có thể "thưa thớt" nên nào dám than đầu cơ chứ.
11. Khán giả không rảnh, tuyệt chiêu slow-motion nên "bớt bớt" giùm
Dẫu biết cảnh Cửu U Đài thực sự rất xúc động, nhưng việc kéo dài đến tận gần 2 tập phim thì quả thực quá sức chịu đựng của khán giả. Đồng thời, tuyệt chiêu "dài dòng lê thê" cũng được áp dụng trong phần lớn thời lượng còn lại của Sở Kiều Truyện. Nó chẳng giúp bộ phim lấy thêm nước mắt người xem mà chỉ nhận thêm "gạch" vì làm loãng mạch phim! Nhìn gương Sở Kiều Truyện để rút kinh nghiệm nhé nhà sản xuất. Bởi vì, thật sự khán giả có được nghỉ hè cũng không rảnh để ngồi ngáp đâu!
12. Sửa kịch bản cho phù hợp thì bị gọi là "không tôn trọng nguyên tác". Kéo phim dài lê thê bởi cảnh thừa thãi đến mức nội dung thành "đầu voi đuôi chuột" thì được gọi là "tôn trọng nguyên tác"
Đã tôn Vũ Văn Nguyệt lên làm nam chính thì phải sửa kịch bản cho chàng xuất hiện nhiều hơn. Nhưng tất nhiên, làm thế sẽ khiến fan cuồng truyện và Yên Tuân cho biên kịch "u đầu" vì "không tôn trọng nguyên tác". Đi theo nguyên tác, để nam phụ xuất hiện nhiều hơn, thì biên kịch cũng "u đầu" vì nhiều khán giả chưa đọc truyện (hay chẳng quan tâm đến nguyên tác) về phe Lãnh công tử. Vậy mới nói, phận biên kịch phim chuyển thể cũng khổ lắm!
13. Mập mờ tam giác tình yêu đến cuối phim sẽ giúp bạn tha hồ xây biệt thự "miễn phí"
Xây dựng tam giác tình yêu nhưng đến giữa phim đã biết mình thật sự yêu ai thì còn được. Cứ "thả thính" đến tận tập cuối, mập mờ giữa nam chính – nam phụ như Sở Kiều thì chỉ có "xây biệt thự" trên mọi mặt trận mạng xã hội thôi.
14. Thân làm nữ phụ thì có tỉnh táo bao nhiêu cũng phải hận nữ chính đến mờ mắt
Nhìn gương Tiêu Ngọc và Nguyên Thuần thì biết. Một người là công chúa Đại Lương – tôn chủ của nhóm điệp giả, người là công chúa Đại Ngụy. Nhưng một khi đã chịu phận nữ phụ thì rồi sẽ có ngày quay ra hận nữ chính vì tình!
15. Cứu nữ chính không phải lúc nào cũng là anh hùng, bởi đã bị ghét thì thế nào cũng thành "cướp công"
Cảnh cứu Sở Kiều giữa thành Hồng Xuyên của Lãnh công tử vấp phải hai ý kiến trái chiều. Một bên đau lòng cho công tử, trách công tử sao lại nhường công cho Yên Tuân. Một bên thì "ném đá" công tử với lý do "trời ơi": "Sao lại tranh công của thế tử?!?". Vì anh là nam chính, thế nên, biên kịch bảo anh đến lúc xuất hiện rồi thì anh phải ra mặt thôi!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]